Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý mạnh, đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Thảo luận về các nội dung trong dự thảo Luật, tại Chương I, ý kiến của các đại biểu tập trung vào các quy định về mục đích ban hành Luật; ngày Hiến pháp Việt Nam. Đối với Chương II (Phổ biến pháp luật), nhiều đại biểu cho ý kiến về tiêu chuẩn của Báo cáo viên pháp luật; chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Đồng tình với quy định về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phổ biến pháp luật, nhưng một số đại biểu đề nghị bổ sung một số chủ thể có trách nhiệm phổ biến pháp luật. Hội thảo đánh giá cao việc phân tách các quy định về phổ biến pháp luật với giáo dục pháp luật (Chương III); quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương IV). Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng nên nghiên cứu, xác định chức năng của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng là tổ chức tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên có quy định về chế tài; xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Phan Hồng Nguyên