Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc Sở Tư pháp, và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt 06 nội dung sau: 1) tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về lĩnh vực công tác này; 2) tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; 3) củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho công chức quản lý và tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở; 4) nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; 5) tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; 6) thực hiện tốt công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Cũng tại Chỉ thị này, Bộ trưởng giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan nghiên cứu hoàn chỉnh cơ sở lý luận, thực tiễn, chuẩn bị cho việc soạn thảo dự án Luật hòa giải cơ sở; xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc hòa giải.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ./.
Nguyễn Kim Thoa