Cùng với những hoạt động mang tính chất thường xuyên được triển khai theo Kế hoạch số 10/ĐCT ngày 25/01/2011 của Đoàn Chủ tịch về triển khai công tác chính sách pháp luật, chú trọng việc thực hiện thường xuyên, có chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ như: xây dựng công văn hướng dẫn số 02/HD-CSPL ngày 01/04/2011 về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011 tới các cấp hội phụ nữ; xây dựng và phát hành tài liệu sinh hoạt hội viên hội phụ nữ với chủ đề “Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ” gắn với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhằm nâng cao trách nhiệm của phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động bầu cử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số: tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (tổ chức 34 lớp tập huấn thu hút 100% báo cáo viên các cấp tham gia học tập); tổ chức kiểm tra giám sát tại 02 tỉnh Lào Cai và Yên Bái ….
Các hoạt động “nổi bật” về công tác PBGDPL mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện trong năm nay gồm:
- Nhân rộng mô hình điểm Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại 06 xã của 06 tỉnh/thành phố (Sơn La, Gia Lai, Quảng Ngãi; Bình Thuận, Trà Vinh, Hà Nội). Trong năm 2011, Hội đã tổ chức 32 cuộc truyền thông tại 08 mô hình điểm về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, thu hút trên 3.200 hội viên hội phụ nữ và cộng đồng dân cư ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham dự.
- Phối hợp với Ủy ban dân tộc và Hội nông dân Việt Nam tổ chức “Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai” với hình thức sân khấu hóa. Kết quả Hội thi: 01 giải xuất sắc, 01 giải nhất, 06 giải nhì, 05 giải ba và 03 giải khuyến khích. Hội thi đã nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật cho cán bộ phụ nữ làm công tác PBGDPL, các cán bộ làm công tác dân tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai Đề án “Tuyên truyền phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2011-2015”: tổ chức 11 lớp tập huấn cho 637 tuyên truyền viên cấp xã về Luật phòng, chống mua bán người; xây dựng dự thảo Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015 và tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; biên soạn, in ấn và phát hành 2.000 cuốn sổ tay Luật phòng, chống mua bán người; 500 cuốn sổ tay chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mô hình phòng ngừa mua bán người hiệu quả tại công đồng; thực hiện tuyên truyền trên các kênh báo viết, báo hình: Báo phụ nữ Việt Nam; cập nhật hàng trăm tin bài liên quan đến tội phạm mua bán trẻ em trên trang web của Hội; tích cực hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về; tổng kết 02 mô hình dự án: “Phòng ngừa hiệu quả nạn mua bán người thông qua chiến lược truyền thông thay đổi hành vi” và mô hình dự án “Nâng cao năng lực cho nhóm hỗ trợ cộng đồng truyền thông phòng chống mua bán người”; Tổng kết 05 năm thực hiện Hiệp định “Hợp tác song phương để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán giữa Việt Nam và Campuchia.
- Xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ giai đoạn 2012-2017 trình Chính phủ.
- Tiếp tục duy trì các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong khai thác Tủ sách pháp luật, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2011 của Hội phụ nữ được triển khai theo đúng kế hoạch và đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Đây sẽ là tiền đề để triển khai tốt các hoạt động về phổ biển, giáo dục pháp luật những năm sau.
Đinh Quỳnh Mây