Kiến nghị thay đổi kinh phí hỗ trợ hòa giải
An Giang là một tỉnh thuần nông, đại bộ phận dân số trong tỉnh là nông dân, người dân tộc khơ-me chiếm tỷ lệ khá cao, giao thông đi lại khó khăn … Những nguyên nhân đó là rào cản không nhỏ đối với công tác tuyên truyền PBGDPL. Mặc dầu vậy, theo ông Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và ông Hồ Văn Răng, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, từ năm 2003 đến nay, công tác PBGDPL của tỉnh An Giang đạt được kết quả khả quan. Toàn tỉnh hiện có 154 Ban hòa giải với 1.395 thành viên. 936 Tổ hòa giải với 5.542 thành viên. Trong 9 tháng đầu năm, các Ban hòa giải, tổ hòa giải tiếp nhận 8.006 vụ việc thì tỷ lệ hòa giải thành đạt 80%. Ông Lê Minh Hùng cũng cho biết, từ năm 2007, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh mức chi hỗ trợ cho một vụ hòa giải thành từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng. Đây là quyết định giúp cho công tác PBGDPL phát triển. Tuy nhiên, theo phản ánh của không ít hòa giải viên, với tình hình kinh tế hiện nay thì mức này còn thấp, hơn nữa, việc các vụ hòa giải không thành không được hỗ trợ kinh phí là chưa công bằng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết: hiện Bộ Tư pháp đang soạn thảo một văn bản đề nghị Bộ tài chính thay đổi Thông tư 63/2005/TT-BTC. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ tài chính thay đổi mức phí hỗ trợ hòa giải viên theo chiều hướng tăng và chi hỗ trợ cho cả những vụ hòa giải không thành…
Kết hợp quân dân trong PBGDPL
Trao đổi với Đoàn Kiểm tra, Đại tá Bùi Thanh Châu, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh nêu lên một phương pháp PBGDPL hiệu quả trong quân đội. An Giang là một tỉnh có đường biên giới nên việc kết hợp quân dân trong việc PBGDPL là cần thiết. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Bộ đội biên phòng thành lập 7 tổ tuyên truyền pháp luật và hòa giải. Thành viên của mỗi tổ này phải có thành viên người dân tộc khơ-me. Hằng tuần, 7 tổ này tỏa đi các làng xã ven biên giới thực hiện cùng ăn, cùng ở với người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khơ-me để tuyên truyền pháp luật thông qua họat động thể thao, văn nghệ. Chính tình quân dân đã làm cho công tác PBGDPL được người dân tiếp cận pháp luật một cách tự nguyện mà hiệu quả lại cao.
Cũng tại các buổi làm việc, đại diện địa phương đã kiến nghị Đoàn kiểm tra cần xem xét lại tính hiệu quả của hình thức PBGDPL bằng loa truyền thanh, Bưu điện văn hóa xã và tủ sách pháp luật. Ba hình thức này kém hiệu quả bởi sự chồng chéo của của cơ quan chủ quản. Loa truyền thanh thì nghành văn hóa thông tin xã quản lý và trang thiết bị lạc hậu nên một số nơi đã bỏ. Bưu điện văn hóa xã thì ít người tới vì hiện nay phần lớn các hộ gia đình đã có điện thoại cố định, điện thoại di động. Tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã và được mở cửa giờ hành chính, thời điểm người dân đều đi làm. Khi người dân có thời gian, cần tìm hiểu pháp luật thì cửa trụ sở ủy ban đã …đóng.
Ghi nhận những kiến nghị từ cơ sở, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đặc biệt lưu ý vai trò giáo dục pháp luật. Thực tế cho thấy, An Giang đã làm tốt công tác phổ biến nhưng công tác giáo dục hầu như bỏ ngỏ. Thứ trưởng cho rằng, An Giang cần phải làm tốt hơn nữa việc đưa pháp luật vào trường học để giáo dục cho học sinh vì các em sẽ là tương lai ngày sau. Trong công tác PBGDPL, Thứ trưởng lưu ý địa phương cần quan tậm đến những văn bản qui phạm pháp luật mới ban hành. Qua kiểm tra thực tế tại thị trấn An Châu, Thứ trưởng phát hiện ra rằng những người tuyên truyền PBGDPL còn vận dụng những văn bản luật hết thời hiệu vào trong công tác chuyên môn.
Thay mặt Đoàn Kiểm tra của Hội đồng công tác PBGDPL của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đề nghị lãnh đạo, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho công tác PBGDPL, huy động sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành trong công tác này. Thứ trưởng cũng đề nghị hoạt động PBGDPL phải hướng về cơ sở, lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn để triển khai thực hiện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Minh Tùng tâm sự: tuyên truyền phổ biến giáo dục luật hôn nhân gia đình cần được đẩy mạnh để hạn chế tình trạng kết hôn với người nước ngòai. Chính bản thân tôi ký giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhưng nhiều lúc thấy xót xa bởi cô vợ mới 18 tuổi mà ông chồng thì sáu mấy bảy muơi. Luật không cấm nên tôi phải ký nhưng thực sự thấy băn khoăn.