Liên kết website

Phiên họp Ban Thư ký Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương

23/06/2017

Vừa qua, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Đỗ Xuân Lân đã chủ trì cuộc họp Ban Thư ký Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương. Tại cuộc họp, các thành viên đã cùng thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Thông tư ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, dự thảo Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL và dự thảo văn bản triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021.

Đại diện Vụ PBGDPL đã trình bày tóm tắt dự thảo Thông tư, dự thảo Đề án. Theo đó, dự thảo Thông tư chia làm 2 nhóm tiêu chí bao gồm các tiêu chí chung (tiêu chí về hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong công tác PBGDPL; tiêu chí bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tiêu chí về điều kiện bảo đảm; tiêu chí thực hiện chủ trương xã hội hóa; tiêu chí về hiệu quả tác động của công tác PBGDPL) và các tiêu chí về hiệu quả công tác PBGDPL áp dụng riêng đối với từng nhóm đối tượng khác nhau xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ cũng như các yếu tố đặc thù của công tác này (chia thành tiêu chí áp dụng cho các bộ, ngành; cho UBND các cấp; dự kiến áp dụng cho cả Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên).
Còn dự thảo Đề án đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Cụ thể là xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin phục vụ công tác PBGDPL; xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL; đa dạng hóa các hình thức, phương pháp PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... Từ đó phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu như đạt tỷ lệ 90% trở lên các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai các hoạt động PBGDPL chuyên ngành trên môi trường mạng; 100% các cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL chuyên ngành đều xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử hoặc xây dựng chuyên mục PBGDPL trên Trang thông tin điện tử...
Góp ý vào dự thảo Thông tư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số chỉ số mà Bộ Nội vụ đang làm là Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Qua những kinh nghiệm này, theo ông Vinh, nên tiến hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để nâng cao nhận thức xã hội thì mới bàn đến việc xây dựng thành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều ý kiến cũng tán thành trước mắt nên làm thí điểm, đồng thời băn khoăn ai sẽ đánh giá đối với Bộ Tư pháp để đảm bảo tính độc lập, khách quan.  Ngược lại, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất để Bộ Tư pháp chủ trì, cần thiết thì mời tổ chức bên Mặt trận giám sát. Trước một số ý kiến cho rằng không áp dụng tiêu chí đánh giá đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu vấn đề, nếu như vậy sẽ rất "nhàn" nhưng xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thì nên cân nhắc thêm.
Liên quan đến dự thảo Đề án, bà Mai Hà Uyên (Bộ Tài chính) nhận xét, nếu quy định các bộ, ngành xây dựng các cổng/trang riêng sẽ là quá nhiều, do đó cần lồng ghép hoặc có cơ chế liên thông giữa các cổng/trang này. Nhất trí với quan điểm này, đại diện Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, điểm hạn chế nhất hiện nay là khả năng kết nối các bộ, ngành với nhau nên mong Bộ Tư pháp có giải pháp để kết nối, liên thông được các cổng/trang thông tin điện tử.

Kết luận phiên họp, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng - Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân ghi nhận, cảm ơn các ý kiến phát biểu. Trên cơ sở các góp ý, ông Lân nhấn mạnh sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư, dự thảo Đề án đảm bảo các mảng công việc, nhiệm vụ rõ ràng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm.
H.Thư
Các tin đã đưa ngày: