Liên kết website

Khuyến khích áp dụng hương ước để giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng

20/09/2017

Đây là một trong những nguyên tắc được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đề xuất ngày 18/9 khi chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Không thể bắt buộc áp dụng hương ước
Đại diện đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên báo cáo: Qua gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, hương ước, quy ước đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống. Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Dự thảo Quyết định đưa ra các nguyên tắc cần tuân thủ trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Cụ thể là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự tự nguyện, dựa trên nhu cầu của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, đề cao vai trò của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và các tổ chức tự quản của cộng đồng; bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, tập quán tiến bộ, tích cực, loại bỏ phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu, xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư; trong trường hợp pháp luật không quy định thì áp dụng hương ước, quy ước để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản tán những nguyên tắc trên nhưng cũng còn một số ý kiến băn khoăn. Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho rằng, nguyên tắc thứ 4 hơi “cứng” bởi quy định như Dự thảo không khác gì “bắt” phải áp dụng hương ước để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong khi lại quan niệm hương ước do người dân thực hiện dựa trên nhu cầu, tinh thần tự nguyện.
Đồng tình, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, chỉ nên khuyến khích áp dụng hương ước trong những trường hợp pháp luật không quy định bởi trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Theo xu thế đó, “vai trò của hương ước, quy ước phải hẹp dần, không nên xây dựng quá nhiều hương ước hay xây dựng nội dung hương ước quá rộng” – Thứ trưởng Châu phát biểu.
Không cho phạt tiền để tránh “phạt vạ”
Cũng theo ông Nguyên, một vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau là có nên áp dụng phạt tiền, phạt vật chất để xử lý những trường hợp vi phạm quy định trong hương ước, quy ước hay không. Loại thứ nhất đề xuất không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Việc không cho phép quy định có ưu điểm là hạn chế tình trạng “phạt vạ”, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện, bao gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Tuy nhiên, loại ý kiến này có hạn chế là có thể làm giảm hiệu lực thi hành của hương ước, quy ước trên thực tế.
Loại ý kiến thứ hai thì kiến nghị cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Như vậy, hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành cao hơn. Tuy nhiên, loại ý kiến này có hạn chế là dễ nhầm lẫn với biện pháp phạt tiền theo pháp luật xử phạt vi vi phạm hành chính. Trong thực tế, một số nơi có thể lạm dụng quy định này dẫn đến tình trạng “phạt vạ”, “lệ làng”, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều bản hương ước, quy ước đã quy định biện pháp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí mức phạt cao hơn so với quy định pháp luật đối với một hành vi tương ứng.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp lựa chọn loại ý kiến thứ nhất nhưng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng có ý kiến khác nhau. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cân nhắc nếu không quy định phạt tiền vì xét về bản chất, đây là một quy phạm điều chỉnh một quan hệ xã hội thì cần phải có chế tài để đảm bảo thực hiện. Hơn nữa, trường hợp không trái với pháp luật, không gây nhầm lẫn và được cộng đồng dân cư chấp nhận, nên chăng có thể cho phép phạt tiền.
Ngược lại, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Bình tán thành việc không quy định phạt tiền. Ông Bình lý giải, nếu vi phạm trật tự quản lý nhà nước thì đã bị xử phạt hành chính, trong khi hương ước, quy ước chỉ điều chỉnh quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư.
H.Thư
Các tin đã đưa ngày: