Tham dự Hội nghị có trên 210 đại biểu đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới các huyện, thành phố; đại diện Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; và công chức tư pháp – hộ tịch của 210 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thuộc tỉnh Hòa Bình.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn, triển khai những nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; những vấn đề liên quan đến việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp như: điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng; về đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã và một số vấn đề liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận, hỏi đáp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thông qua lớp tập huấn, giúp cho các đại biểu nắm rõ nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị trong thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở địa phương theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã về làm việc với lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại diện các tổ chức, đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các hòa giải viên trên địa bàn xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Nội dung của buổi làm việc là khảo sát, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật và triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, xã Hợp Kim là một trong những xã nông thôn của tỉnh Hòa Bình đang triển khai đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật. Xã hiện có 03 tổ hòa giải trên tổng số 03 thôn/xóm, nhưng tỷ lệ hòa giải thành hàng năm khá cao (chiếm 83%). Tuy nhiên, xã còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở như nguồn kinh phí cho hòa giải ở cơ sở chưa được bố trí, thù lao chi trả cho hòa giải viên sau mỗi vụ việc hòa giải thành là chưa có; đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn lại thường xuyên thay đổi và biến động.
Chia sẻ với những khó khăn của nhân dân và cán bộ xã Hợp Kim, đồng thời biểu dương những cố gắng, nỗ lực của xã, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp sớm kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn, chủ động đề nghị Sở Tài chính tỉnh bố trí kinh phí hợp lý hàng năm cho công tác này theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành. Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xã sớm rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp huyện công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.