Làm việc với Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Trị, về phía địa phương có đồng chí Hoàng Kỳ – Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh. Theo Báo cáo, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021; Kế hoạch PBGDPL năm 2017, các văn bản hướng dẫn triển khai từng lĩnhvực công tác PBGDPL, xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và Hội đồng phối hợp tỉnh, hầu hết Ủy ban nhân dân cấp huyện và sở, ban, ngành trên địa bàn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Năm 2017, Sở Tư pháp đã tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên. Hội đồng phối hợp đã ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Phòng Tư pháp giao một lãnh đạo Phòng phụ trách công tác PBGDPL. Toàn tỉnh hiện có 156 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 177 báo cáo viên cấp huyện và 1214 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí kinh phí dành cho công tác PBGDPL, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định các mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn thấp. Năm 2017, kinh phí dành hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh là 275 triệu đồng; cấp huyện trung bình từ 30 triệu đồng đến 110 triệu đồng; cấp xã chỉ từ 5 đến 15 triệu đồng. Một số cơ quan, địa phương đã huy động sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp trong công tác PBGDPL.
Qua thực tiễn, một số hình thức, mô hình PBGDPL đã được tỉnh áp dụng có hiệu quả là: mô hình Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền”; mô hình “Dòng họ không có vi phạm pháp luật; mô hình: “Khu phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; câu lạc bộ “Tuổi trẻ và pháp luật”; mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”…
Đối với nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và các văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức tập huấn cho công chức Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các xã, phường, thị trấn thuộc diện đánh giá nông thôn mới năm 2017 đã và đang rà soát, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để nắm bắt thực trạng triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Nhiệm vụ này đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Ủy ban nhân dân xã đã ban hành Kế hoạch thực hiện; phân công các công chức chuyên môn tham mưu, theo dõi thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật. Xã đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá, chấm điểm và gửi hồ sơ đánh giá về Phòng Tư pháp huyện.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã đánh giá những tồn tại, khó khăn trong công tác PBGDPL, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận và nguyên nhân của tồn tại, khó khăn, trong đó sự phối hợp giữa một số cơ quan, tổ chức là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả PBGDPL chưa cao, còn hình thức; sự phối hợp giữa công chức chuyên môn cấp xã trong việc rà soát, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng chưa chặt chẽ nên một số nơi triển khai đánh giá còn chậm, chưa chính xác. Hiệu quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật còn thấp. Hình thức PBGDPL còn chưa đa dạng, chưa áp dụng nhiều các hình thức mới hiệu quả mà chủ yếu là tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật. Điều kiện kinh phí bố trí cho hoạt động PBGDPL còn hạn chế.
Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương còn giải đáp nhiều ý kiến, đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của địa phương để nghiên cứu, tham mưu giải quyết, tháo gỡ.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật