Ngoài ra, nhiều địa phương còn xây dựng, duy trì Tủ sách, ngăn sách pháp luật tự quản để tăng cường thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, trước bối cảnh công nghệ thông tin, mạng Internet phát triển mạnh mẽ và có nhiều loại hình Tủ sách do các Ban, Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý tại địa bàn cấp xã, để Tủ sách pháp luật hoạt động có hiệu quả hơn, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 539/BTP-PBGDPL ngày 21/02/2018, trong đó nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương) quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật đối với việc thực thi công vụ, quản lý, chỉ đạo, điều hành theo Hiến pháp và pháp luật. Có giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của Tủ sách pháp luật, nhằm phát huy vai trò là hình thức PBGDPL truyền thống có hiệu quả tại cơ sở, nhất là những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khó khăn, chưa được trang bị, sử dụng máy tính kết nối Internet; gắn với các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở theo Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới.
Thứ hai, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các loại hình Tủ sách trên địa bàn cấp xã (Tủ sách pháp luật do ngành Tư pháp quản lý; Tủ sách theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý; sách, báo tại điểm Bưu điện – Văn hóa xã do ngành Thông tin và Truyền thông quản lý; Thư viện xã do ngành Văn hóa quản lý; sách, báo tại Trung tâm học tập cộng đồng do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý...).
Thứ ba, trên cơ sở Danh mục sách, tài liệu pháp luật định kỳ (06 tháng, hàng năm) do Bộ Tư pháp hướng dẫn và nhu cầu thực tế, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời việc bổ sung, mua các sách, tài liệu mới cho các Tủ sách pháp luật trên địa bàn, đảm bảo phù hợp, thiết thực, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ thực thi công vụ, công việc chuyên môn của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu, giải đáp pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân; đưa vào lưu giữ trong Tủ sách pháp luật các sách, tài liệu do cán bộ, công chức, viên chức tham dự hội thảo, tọa đàm, tập huấn và thực hiện quản lý theo quy định về tài sản công.
Thứ tư, trong khi các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đang tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, cung cấp các văn bản, tài liệu cho Tủ sách pháp luật; khai thác, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (http://vbpl.vn) và các trang tin/chuyên mục văn bản pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Những địa bàn đã xây dựng, duy trì các mô hình Tủ sách tự quản, sáng tạo như: Tủ sách/ngăn sách/giỏ sách/túi sách tại thôn, làng, bản, tổ dân phố, quán cà phê pháp luật, chùa/cơ sở tôn giáo, dòng họ, khu nhà trọ công nhân... cần tiến hành đánh giá hiệu quả, tác động, rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng, phát triển phù hợp với thực tế, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp để tạo điều kiện cho các địa phương khác nghiên cứu, nhân rộng.
Thứ năm, quan tâm bố trí và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí từ ngân sách nhà nước cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo Điều 4 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg; chỉ đạo các giải pháp khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội hóa để duy trì, phát triển Tủ sách pháp luật, đặc biệt là duy trì, tham gia quản lý Tủ sách pháp luật tự quản tại cộng đồng dân cư để đáp ứng tốt hơn công tác PBGDPL ở cơ sở. Rà soát, tổng hợp, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí đã bố trí phục vụ xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật hằng năm cho các Tủ sách pháp luật cấp xã, Tủ sách pháp luật cơ quan, đơn vị và gửi thông tin, kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Thứ sáu, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thể chế, chính sách, nhất là vướng mắc, bất cập của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg; tổng kết, kiến nghị mô hình Tủ sách pháp luật phù hợp với cơ quan, đơn vị, cấp xã của từng địa bàn, vùng, miền gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật để gửi về Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về Tủ sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Mọi thông tin chi tiết đề nghị liên hệ số điện thoại 024.62739469 để giải đáp, tháo gỡ./.