1. Tiếp tục quán triệt, tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và Nhân dân về vị trí, vai trò, nội dung của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đúng quy định, góp phần bảo đảm thực hiện quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
2. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục hạn chế, khó khăn; phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Chú trọng gắn các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật với trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị nhất là trong bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo Công văn số 539/BTP-PBGDPL ngày 21/02/2018 của Bộ Tư pháp và hoạt động của câu lạc bộ pháp luật, góp phần thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.
3. Chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư thay thế Thông tư số liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tạo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất nhiệm vụ tại địa phương.
4. Chú trọng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra để việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện đúng quy định, thực chất, phát huy đầy đủ ý nghĩa, vai trò và đạt mục đích đề ra nhất là trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa nghiêm túc, còn hình thức hoặc vi phạm pháp luật. Quan tâm tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được giao theo dõi, tham mưu nhiệm vụ này; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, nhất là kinh phí cho hoạt động quản lý và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội trong thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
5. Căn cứ điều kiện thực tế, chỉ đạo việc lựa chọn, ưu tiên nguồn lực xây dựng, thực hiện mô hình điểm về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần vào kết quả thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” theo Quyết định số 2288/QĐ-BTP ngày 31/10 /2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng dẫn nhân rộng phù hợp với thực tiễn.
Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, phát hiện vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện và gửi về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) định kỳ 6 tháng (trước ngày 02/6/2018), báo cáo năm 2018 (trước ngày 02/12/2018) trong Báo cáo kết quả công tác PBGDPL; Báo cáo kết quả công tác tư pháp, lĩnh vực PBGDPL của địa phương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mọi thông tin chi tiết đề nghị liên hệ số điện thoại: 024.62739469 để giải quyết, tháo gỡ./.