Liên kết website

Xây dựng tủ sách pháp luật điện tử để tiến tới hợp nhất với tủ sách pháp luật truyền thống

27/04/2018

Ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật (TSPL)

Báo cáo định hướng xây dựng Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Đỗ Xuân Lân cho biết, nội dung dự kiến sửa đổi quan trọng nhất là bổ sung điều khoản về TSPL điện tử. Đây là nơi lưu trữ, tập hợp các sách, tài liệu pháp luật dưới dạng số hóa để phục vụ miễn phí nhu cầu thông tin pháp luật, PBGDPL và phục vụ hoạt động nghiên cứu, quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người dân.
Đi cùng với đó là sẽ quy định nguyên tắc xây dựng, quản lý và khai thác TSPL điện tử. Chẳng hạn về xây dựng TSPL điện tử sẽ có 2 phương án là xây dựng TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, vận hành trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp/Cổng thông tin PBGDPL do Bộ Tư pháp quản lý hoặc xây dựng TSPL điện tử do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, UBND các cấp quản lý, vận hành trên Cổng/Trang thông tin của bộ, ngành, địa phương. Tương tự, về kinh phí xây dựng, quản lý TSPL điện tử do ngân sách nhà nước bảo đảm nhưng cũng có 2 phương án hoặc được bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Tư pháp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc được bố trí trong dự toán hàng năm của các bộ, ngành, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Đánh giá thực trạng xây dựng, quản lý, khai thác TSPL để làm cơ sở sửa đổi Quyết định 06, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, trong thời gian qua, TSPL đã đa dạng hóa thiết chế văn hóa – thông tin, pháp luật tại cơ sở, cơ quan, đơn vị; góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện quyền được thông tin pháp luật và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên, tổng kết thực thi Quyết định 06 cũng cho thấy việc xây dựng TSPL ở tất cả đơn vị cấp xã và cơ quan, đơn vị không còn phù hợp với thực tiễn, bộc lộ lãng phí, không hiệu quả. Bên cạnh đó, với bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay thì dự kiến mô hình TSPL điện tử sẽ bảo đảm tiết kiệm, không dàn trải nguồn lực.
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đều đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 06. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện tại thì chưa nên xóa bỏ ngay TSPL truyền thống bởi theo quy định của Luật PBGDPL, TSPL chính là một hình thức của PBGDPL. Thậm chí có thành viên đề nghị nên nâng tầm quy định về TSPL thuộc loại văn bản nghị định nhưng cũng có quan điểm lo ngại vấn đề bản quyền khi xây dựng TSPL điện tử.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tinh thần chung là vẫn tiếp tục duy trì TSPL truyền thống nhưng đổi mới mạnh mẽ cách thức xây dựng, quản lý, khai thác; đồng thời tiến hành xây dựng TSPL điện tử, từng bước giảm dần TSPL giấy, đề xuất tiến tới hợp nhất 2 loại tủ sách này. Thứ trưởng tán thành với việc trước mắt sẽ hạn chế đầu tư cho TSPL ở những nơi có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật để tập trung ưu tiên cho xã biên giới, hải đảo, an toàn khu, huyện nghèo. Việc quản lý TSPL tới đây cần giao cho 1 đầu mối quản lý ở địa phương, Bộ Tư pháp hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước thì cũng chỉ về mặt chuyên môn. Nói thêm về TSPL điện tử, theo Thứ trưởng, dù là 2 phương án nhưng phải nhất quán tinh thần là TSPL điện tử dùng chung, chứ không phải nhà nhà, ngành ngành cùng làm TSPL điện tử cho riêng mình.
H.Thư
Các tin đã đưa ngày: