Ngày 25/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Đến nay, cả nước đã có 11.660 Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn (Tủ sách pháp luật cấp xã)/11.162 đơn vị cấp xã trên toàn quốc, trong đó có nhiều đơn vị cấp xã nhiều Tủ sách pháp luật và 60.308 Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị. Qua tổng kết thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg cho thấy, Tủ sách pháp luật đã đa dạng hóa thiết chế văn hóa - thông tin tại cơ sở, cơ quan, đơn vị; góp phần tích cực phục vụ công tác chuyên môn, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo pháp luật của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện quyền được thông tin pháp luật và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng Internet phát triển, vai trò của văn hóa đọc bị suy giảm, hoạt động khai thác Tủ sách pháp luật ở nhiều nơi đã bộc lộ khó khăn, hạn chế, nhiều Tủ sách pháp luật hiện thu hút rất ít người dân đến đọc, mượn sách, hiệu quả khai thác không cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế này, trong đó có nguyên nhân do một số quy định của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Từ thực tiễn đó, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
|
|
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về vị trí, vai trò quan trọng của sách, tài liệu pháp luật trong công tác chuyên môn, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; góp phần nâng cao dân trí pháp lý, hiểu biết pháp luật của người dân; nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg để khắc phục những bất cập và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Qua trao đổi, thảo luận, nhiều đại biểu đã nhất trí với các nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có đề xuất thu hẹp phạm vi xây dựng, duy trì Tủ sách pháp luật; cần thiết xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật điện tử do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và phân quyền quản trị để các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cập nhật, bổ sung sách, tài liệu pháp luật trong lĩnh vực quản lý; các bộ phận sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật; việc bảo quản, khai thác sách, tài liệu pháp luật trong các Tủ sách pháp luật đã được thành lập theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg nhưng không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này.
|
|
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg (thay vì sửa đổi, bổ sung) để tránh việc hợp nhất và viện dẫn phức tạp sau khi ban hành; đóng góp ý kiến để chỉnh sửa một số quy định về cán bộ được giao phụ trách Tủ sách pháp luật để bảo đảm có thời gian và khả năng hướng dẫn khai thác Tủ sách có hiệu quả; việc thống nhất quản lý sách, tài liệu pháp luật trong các thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở để khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực; vấn đề bản quyền của sách, tài liệu pháp luật được đăng tải trên Tủ sách pháp luật điện tử…
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc với nhiều ý kiến phát biểu có chất lượng, là cơ sở để Bộ Tư pháp nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Quyết định./.