Liên kết website

“Nghiên cứu áp dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong xử lý chuyển hướng”

04/09/2018

Thực hiện Quyết định số 797/QĐ-BTP ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2018, ngày 30/8/2018, tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong công tác hòa giải ở cơ sở”. Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố của 03 khu vực Bắc, Trung, Nam; đại diện Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đại diện hòa giải viên, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Phòng Tư pháp các quận/huyện/thị xã: Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Đan Phượng, Sơn Tây của thành phố Hà Nội; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đồng chí Trần Huy Liệu - chuyên gia, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp. Đồng chí Uông Ngọc Thuẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.

”Xử lý chuyển hướng” là thuật ngữ chỉ quá trình xử lý thay thế nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống đối với người vi phạm pháp luật. Một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng là hòa giải giữa người vi phạm pháp luật và người bị hại - đây là một hướng tiếp cận của hoạt động tư pháp phục hồi trong đó người vi phạm và bị hại gặp gỡ trực tiếp với nhau thông qua sự tổ chức điều hành của hoà giải viên nhằm bảo đảm người vi phạm nhận thức được thiệt hại gây ra mà nạn nhân phải chịu, nhận trách nhiệm về hành vi của mình cũng như về những thiệt hại đã gây ra, còn người bị hại có cơ hội cho người phạm tội thấy được hành vi vi phạm của họ đã tác động đến mình như thế nào và giúp đi đến quyết định được cả hai bên chấp nhận. Do tính chất ưu việt của các biện pháp xử lý chuyển hướng nói chung, hòa giải nói riêng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng rộng rãi các chương trình này trong quá trình xử lý người vi phạm pháp luật, nhất là người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về xử lý chuyển hướng đối với người vi phạm pháp luật, tuy nhiên đã có những quy định trong cả hệ thống xử lý hành chính và hình sự đều cho phép chuyển hướng xử lý những người vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự sang xử lý bằng các biện pháp không chính thức, thay vì áp dụng chế tài hành chính hay hình sự là những biện pháp xử lý chính thức. Riêng biện pháp hòa giải được quy định trong Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và sau này là Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Phạm vi hòa giải được cụ thể hóa tại Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tương đối rộng bao gồm các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, tranh chấp từ quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình, vi phạm pháp luật nhỏ, cũng như các vi phạm hành chính hoặc tội phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự,…
Báo cáo dẫn đề Hội thảo đã khẳng định vai trò, ý nghĩa, những giá trị và lợi ích mà biện pháp hòa giải ở cơ sở mang lại cũng như khẳng định với xu thế áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trên thế giới thì hòa giải được xác định là một biện pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, thậm chí là biện pháp thay thế xử lý trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định.
Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã chỉ ra những cơ sở lý luận, thực tiễn của việc áp dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong xử lý chuyển hướng; chia sẻ những khó khăn thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng như thực tiễn áp dụng biện pháp này trong xử lý chuyển hướng tại địa phương như: An Giang, Hà Nội, Hà Nam, Lâm Đồng, Yên Bái, Sơn La... Một số hòa giải tại các quận/ huyện:Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đan Phượng, Sơn Tây của thành phố Hà Nội cũng đã chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi của công tác hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên Tạ Đắc Quế của huyện Sơn Tây, Hà Nội cho rằng, trình độ hiện nay của các hòa giải viên ở cơ sở hầu như còn hạn chế, điều quan trọng nhất là họ phải có uy tín và thực sự nhiệt tình với công tác, vì thế việc nâng cao trình độ của hòa giải viên được đặt ra là khó thực hiện và muốn việc áp dụng biện pháp hòa giải trong xử lý chuyển hướng được thực hiện có hiệu quả thì trước tiên phải phát triển công tách hòa giải ở cơ sở....
Qua Hội thảo, các tham luận và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi để đưa ra các giải pháp, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để thực hiện hiệu quả việc áp dụng biện pháp hòa giải trong xử lý chuyển hướng thời gian tới. Trong đó, đại biểu Trần Huy Liệu, chuyên gia cao cấp, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp có đề xuất nên mở rộng phạm vi hòa giải ở cơ sở bằng những quy định phù hợp với nguồn lực, điều kiện bảo đảm của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó, hướng tới sửa đổi các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp, thống nhất với hệ thống quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Các tin đã đưa ngày: