Để truyền thông về Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã mở chuyên mục "Cuộc thi viết Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên” trên Trang Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (
http://pbgdpl.moj.gov.vn) và đăng tải các văn bản có liên quan đến Cuộc thi như: quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, kế hoạch tổ chức Cuộc thi, thể lệ, quy chế chấm thi, công văn hướng dẫn, đồng thời đăng tải các văn bản này trên Báo Pháp luật Việt Nam. Sau khi phát động Cuộc thi, các địa phương và một số Bộ, ngành, đoàn thể (Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn luật sư Việt Nam…) đã có các hoạt động hưởng ứng Cuộc thi như: Ban hành văn bản hưởng ứng; đăng tải thông tin, Thể lệ Cuộc thi trên các báo, đài, Cổng/Trang Thông tin điện tử của địa phương, cơ quan, đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng khác; chỉ đạo Phòng Tư pháp cấp huyện hưởng ứng Cuộc thi; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi, Ban Tổ chức đã nhận được 10.471 bài dự thi của các cá nhân và nhóm cá nhân. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có bài dự thi, trong đó, một số địa phương có số lượng bài dự thi nhiều như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu...Đối tượng tham gia dự thi rất đa dạng, trong đó nhóm đối tượng là học sinh và giáo viên thuộc ngành giáo dục chiếm số lượng nhiều nhất, tiếp đến là cán bộ, chiến sỹ thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, cán bộ pháp chế trong các doanh nghiệp, cán bộ hưu trí...
Qua rà soát, chấm sơ loại cho thấy nhiều bài dự thi có chất lượng tốt, có giá trị tham khảo, áp dụng trong công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Có những sáng kiến, mô hình lần đầu được thực hiện; nhưng cũng có nhiều mô hình quen thuộc đã được triển khai ở nhiều địa phương nhưng các tác giả đã đề xuất giải pháp để cải tiến, nâng cao tính hiệu quả, ứng dụng của mô hình. Các bài dự thi chủ yếu viết về các mô hình, sáng kiến PBGDPL cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh trong trường học; thanh niên trong quân đội, công an; thanh niên là người lao động trong các doanh nghiệp; thanh, thiếu niên trong có nguy cơ vi phạm pháp luật cao; thanh thiếu niên sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Một số bài dự thi có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL như bài dự thi của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Kỹ thuật và Hậu cần Công an nhân dân, các bài dự thi của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai)…. Hình thức thể hiện của các bài dự thi cũng rất phong phú, đa dạng, nhiều bài rất công phu, có nhiều tư liệu, tranh ảnh, video clips, mô hình minh họa; có bài dự thi được viết dưới dạng thơ, tranh vẽ…
Căn cứ vào kết quả Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định tặng giải thưởng và Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức như sau: Giải nhất: 5.000.000 đồng/giải (01 giải); giải nhì: 3.000.000 đồng/giải (02 giải); giải ba: 2.000.000 đồng/giải (03 giải); giải khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải (10 giải) và một số giải phụ: 500.000 đồng/giải. Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi trước ngày 31/12/2018.