Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết: Kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi theo Thể lệ (ngày 30/10/2018), Ban Tổ chức Cuộc thi (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) đã nhận được 10.405 bài dự thi. Qua thống kê, có 59/63 tỉnh, thành phố gửi bài dự thi. Một số địa phương có nhiều bài dự thi như Thành phố Hà Nội, Sơn La, Phú Yên, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Nai…
Đối tượng tham gia dự thi rất đa dạng, tập trung phần lớn vào học sinh, giáo viên, giảng viên các trường THPT, THCS. Tiếp đến là nhóm cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước; cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; đoàn viên, thanh niên, cán bộ đoàn; người lao động trong các doanh nghiệp; cán bộ hưu trí, cựu chiến binh…
Trong số các bài dự thi, có một số sáng kiến, mô hình lần đầu được thực hiện nhưng cũng có nhiều mô hình quen thuộc đã được triển khai ở nhiều địa phương và tác giả có đề xuất đổi mới cách thức triển khai, giải pháp cải tiến, nâng cao tính hiệu quả, ứng dụng của mô hình. Các bài dự thi chủ yếu viết về các mô hình, sáng kiến phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng là học sinh trong trường học, thanh niên trong Quân đội, Công an, thanh niên là người lao động trong doanh nghiệp, thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, thanh thiếu niên sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.\
|
|
Một số bài dự thi có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Khá nhiều bài dự thi có chất lượng tốt, có giá trị thực tiễn. Hình thức thể hiện cũng phong phú, đa dạng, nhiều bài được đầu tư công phu, có tư liệu, tranh ảnh, video clip, mô hình minh họa, có bài dự thi được viết dưới dạng thơ, tranh vẽ…
Tuy nhiên, về hạn chế thì số lượng người tham gia dự thi chưa đồng đều ở các địa phương, có nhiều địa phương số lượng bài thi thấp. Cuộc thi chưa thu hút được nhiều đối tượng là cán bộ, công chức trực tiếp làm phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Nhiều bài dự thi nội dung còn sơ sài, chưa đưa ra được sáng kiến, mô hình cụ thể trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.
Qua vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã lựa chọn, đề xuất lựa chọn 400 bài dự thi để chấm chung khảo. Việc chấm chung khảo được thực hiện nghiêm túc, khách quan để lựa chọn được 21 bài dự thi có điểm số cao nhất, chất lượng tốt nhất, đại diện cho các vùng, miền, địa phương và các nhóm đối tượng để đề xuất Ban Tổ chức xem xét, quyết định lựa chọn trao giải. Theo Thể lệ, Quy chế chấm thi và kết quả chấm chung khảo, cơ cấu giải thưởng sẽ gồm 19 giải (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích và 3 giải phụ).
|
|
Để phát huy kết quả Cuộc thi, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tổng hợp các bài có chất lượng, nhất là các bài dự thi đạt giải, để biên soạn, phát hành Sổ tay giới thiệu các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho các địa phương, đơn vị; đề xuất chuyển đổi chuyên mục tuyên truyền về Cuộc thi thành chuyên mục “Giới thiệu các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả” để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục tham khảo, học tập và áp dụng vào địa phương, đơn vị mình.
Các đại biểu đã sôi nổi cho ý kiến về đề xuất xét giải của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất nguyên tắc chấm điểm, trao giải, cơ cấu giải nhưng đề nghị nghiên cứu tăng cường thêm giải khuyến khích, bố trí một số giải cho tập thể… Kết luận cuộc họp, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cũng đồng ý với nhiều góp ý của các đại biểu và cho biết sẽ tổ chức trang trọng lễ trao giải trong tháng 1/2019. Riêng tiêu chí trao giải tập thể, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cho rằng đó phải là những tập thể có số lượng bài dự thi đông, đảm bảo chất lượng… và Vụ sẽ xem xét, báo cáo với Ban Giám khảo thông qua.
H.Thư