Mục tiêu tổng quát của Đề án là “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm thiểu số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.”
Đề án xác định 02 giai đoạn thực hiện mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến hết năm 2020); Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2022), thực hiện trong phạm vi cả nước, từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức thực hiện chỉ đạo điểm tại 24 đơn vị cấp xã thuộc 08 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho các vùng, miền trên cả nước. Ở địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện chỉ đạo điểm tại một số đơn vị cấp xã thuộc địa bàn quản lý.
Để triển khai thực hiện, Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể là: (i) Xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên; (ii) Xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở; (iii) Thực hiện chỉ đạo điểm; (iv) Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; (v) Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; (vi) Các nhiệm vụ, giải pháp khác.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực của nhà nước./.