Theo đó, để kịp thời phổ biến các luật, nghị quyết, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản luật do cơ quan chủ trì soạn thảo trên Cổng Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu; cũng như chỉ đạo, hướng dẫn, xác định nội dung, tổ chức phổ biến pháp luật bằng những hình thức phù hợp… Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương, có kế hoạch triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung và tinh thần của các văn bản luật và các vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm tại địa phương với hình thức, nội dung phù hợp; tổ chức quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, thực chất…
Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác PBGDPL trong công văn nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về những vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội như tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, giết người, tín dụng đen, băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực học đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy; an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…Đồng thời, nội dung công văn đã có hướng dẫn cụ thể về kinh phí thực hiện công tác PBGDPL, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nắm bắt kịp thời ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để từng bước có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo công tác PBGDPL tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật