Liên kết website

Giao lưu trực tuyến: 'Ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội'

05/11/2019

Tham gia chương trình giao lưu với độc giả là ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bạn Nguyễn Thị Phương Thanh – Đoàn viên, thanh niên Tổng cục thi hành án dân sự. TS. Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và ông Hồ Quang Huy - Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp tặng hoa cho các khách mời tham dự giao lưu.

Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân hằng ngày của đoàn viên, thanh niên, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Bàn về văn hóa ứng xử của giới trẻ trên không gian mạng”.
Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người, đem con người đến gần nhau hơn và giúp mọi người nói lên được suy nghĩ của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết.
Để hiểu rõ thực trạng sử dụng cũng như tác động hai mặt của mạng xã hội đối với giới trẻ, từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng, 10h – 11h hôm nay 5/11, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Bàn về văn hóa ứng xử của giới trẻ trên không gian mạng”.
- Trước tiên, xin được hỏi ông Nguyễn Quốc Huy, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của mạng xã hội, việc sử dụng mạng xã hội của giới trẻ ở Việt Nam hiện nay? 
Ông Nguyễn Quốc Huy: Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin và có số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ phần lớn. 
Theo một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới, trong đó, một bộ phận giới trẻ dành quỹ thời gian cho mạng xã hội rất lớn, gây nên tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng phổ biến. Mục đích sử dụng mạng xã hội của giới trẻ rất đa dạng, trong đó, 5 mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất là: tìm kiếm, cập nhật thông tin xã hội (66,3%); làm quen với bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ (60%); liên lạc với gia đình, bạn bè (59%); chia sẻ thông tin (hình ảnh, video, status) với mọi người (54,0%) và để giải trí (49,5%). Thông qua internet, mạng xã hội, cơ hội kết nối của thanh thiếu niên ngày càng được tăng cường, giao tiếp trên không gian mạng chi phối ngày càng lớn đến thanh thiếu niên.
- Từ thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay, nhất là trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, ông Phan Hồng Nguyên đánh giá như thế nào về những tác động tích cực của mạng xã hội trong việc định hướng hành vi, văn hóa ứng xử cho giới trẻ?
Ông Phan Hồng Nguyên: Trong thời đại ngày nay, Intenet đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cũng như sự phát triển của các trang mạng xã hội trên internet đã kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Các mạng xã hội hiện nay là trang cung cấp thông tin rộng rãi và nhanh chóng như: Facebook, tweeter, Zalo…
Theo thống kê mà tôi biết được, hiện có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số hơn 96 triệu người Việt Nam, chiếm khoảng 67%. Độ tuổi người dùng mạng xã hội chủ yếu là từ 18 đến 34 tuổi. Có thể thấy số lượng thanh niên sử dụng mạng xã hội rất lớn. Như vậy, mạng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc ảnh hưởng lớn đến việc định hướng hành vi và văn hóa ứng xử cho giới trẻ, mà tác động tích cực được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, điều tích cực đầu tiên là thông qua mạng xã hội, giới trẻ có thể tìm hiểu, khám phá cái mới - động lực để người sử dụng Internet, nhất là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận mạng xã hội. Thời gian vừa qua, nhiều trang mạng xã hội đã có tin, bài tốt có tính định hướng giới trẻ sống tích cực, nêu gương tốt trong cuộc sống để qua đó giáo dục, vận động giới trẻ sống có lý tưởng, hoài bão; giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi.
Thứ hai, ưu điểm của mạng xã hội là có tính tương tác, tính trò chuyện và kết nối cao nên thông qua đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, học tập  văn hóa ứng xử tích cực, kể cả hành vi, văn hóa ứng xử văn minh của các nước trên thế giới.
Thứ ba, mạng xã hội đáp ứng được nhu cầu đa dạng của con người một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đây chính là thế mạnh của mạng xã hội hơn bất cứ phương tiện truyền thông khác nào trong việc định hướng hành vi, văn hóa ứng xử cho giới trẻ. Thực tế thời gian vừa qua, thông qua Fanpage, nhiều tỉnh, thành đoàn đã  thường xuyên cập nhật và đăng tải những gương sáng trong nhiều lĩnh vực từ học tập, khởi nghiệp đến gương người tốt, việc tốt như: Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ngãi, TP.HCM…Hay trên trang Tuổi trẻ TP.HCM thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và lượng thành viên ngày càng đông hơn vì đã chuyển tải nhiều câu chuyện đẹp, như: nhặt được ví tiền trả lại cho người mất…
- Xin được hỏi bạn Phương Thanh, là một người trẻ, bạn có thường xuyên sử dụng mạng xã hội hay không và mạng xã hội hiện nay tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào? 
Bạn Phương Thanh: Là một người trẻ, cũng như những bạn khác cùng lứa tuổi thì có thể nói mạng xã hội là nhu cầu không thể thiếu với mình. Tuy không đến mức như cơm ăn, áo mặc, nhưng có thể nói mạng xã hội trở thành một phần quan trọng, chiếm không ít quỹ thời gian trong ngày của mình. Từ công việc đến cuộc sống sinh hoạt của mình hằng ngày đều ít nhiều có sự ảnh hưởng của MXH. Bởi lẽ, từ MXH, mình tìm kiếm được rất nhiều những kiến thức, thông tin cần thiết. Mình sử dụng mạng xã hội trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cả những cơ hội. 
Nếu như trước đấy, sẽ rất khó khăn để tìm kiếm một thông tin về một lĩnh vực nào đó mà bạn quan tâm thì bây giờ chỉ cần một cú kích chuột là cả một kho kiến thức khổng lồ sẽ ngay lập tức trải ra trước mắt, và việc tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại chưa bao giờ lại dễ dàng đến thế.
Ngoài ra, MXH cũng giúp mình trong việc xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng, là nơi để mình kết nối, chia sẻ với bạn bè. Cuộc sống của mình thực sự đầy màu sắc một phần là nhờ MXH.
 
- Chúng ta không thể phủ nhận những tác động tích cực của mạng xã hội và việc sử dụng mạng xã hội rõ ràng hiện nay đã mang đến rất nhiều lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Huy, ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội hiện nay?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Mạng xã hội đã dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của mỗi bạn trẻ. 
Có thể thấy, đi cùng với sự tiện lợi, yếu tố tích cực là không ít “vấn đề”, từ biểu hiện lệch chuẩn, lối ứng xử thiếu văn hóa đến lợi dụng mạng xã hội để trục lợi... trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Không ít bạn trẻ, vì mục đích “câu like”, muốn được nổi tiếng trong cộng đồng mạng mà sẵn sàng hành động ngược lại quy tắc ứng xử được xã hội thừa nhận, thậm chí vi phạm pháp luật. Cũng có nhiều bạn, vì thiếu hiểu biết, không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội nên đã có nhận thức, thái độ, hành vi không phù hợp trên mạng xã hội.
Điều quan trọng là chúng ta biết cách sử dụng, quản lý để tận dụng tối đa tiện ích và những lợi thế mà mạng xã hội đã và đang mang lại.
- Thưa ông Phan Hồng Nguyên, theo những gì ông đã chia sẻ ở trên về những tác động tích cực của mạng xã hội đối với giới trẻ, thì ông có thể cho biết tình hình công tác PBGDPL thông qua mạng xã hội dành cho thanh niên hiện nay?
Ông Phan Hồng Nguyên: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 15/4/2015, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó tập trung xây dựng Chính phủ điện tử.
Thực hiện chủ trương này của Đảng, Nhà nước, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan, tổ chức đã sử dụng mạng xã hội để phổ biến, chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin pháp lý như: tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ”.  Đà Nẵng mở trang Facebook “Cảnh sát giao thông Thành phố Đà Nẵng” để người dân và khách du lịch có thể tương tác, cung cấp thông tin, gửi kiến nghị, hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn.
Sở Tư pháp một số tỉnh đã xây dựng, duy trì Trang Facebook về pháp luật (An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Bạc Liêu…); Fanpage của Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam và 13 đơn vị cấp xã của thành phố đã được xây dựng, duy trì từ tháng 01/2018.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về PBGDPL trên mạng xã hội Facebook, trong đó một số Ủy ban nhân dân quận đã có Trang Fanpage đăng tải thông tin pháp luật mới, PBGDPL cho người dân; tổ chức hội thi pháp luật trực tuyến; trả lời vướng mắc của người dân…
Trong hệ thống tổ chức Đoàn đã xây dựng một số Fanpage về pháp luật như: Trang Fanpage “Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh với pháp luật” của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trang này đã xây dựng, cập nhật các sản phẩm tuyên truyền pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…. Nội dung PBGDPL thông qua trang Fanpage đang được các cơ quan này thực hiện chủ yếu là chia sẻ, thông tin các văn bản, chính sách; đăng tải tài liệu PBGDPL; tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật; thông tin hoạt động của cơ quan, đơn vị… 
Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng Fanpage để triển khai, tổ chức tuyên truyền các hoạt động của Đoàn thanh niên, trong đó thông tin về pháp luật và dự kiến khai trương để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vụ PBGDPL đang thí điểm vận hành Trang Facebook về PBGDPL để phổ biến các quy định pháp luật mới, thông tin về hoạt động PBGDPL .
Những năm gần đây, việc lập trang Fanpage trên Facebook nhằm thực hiện PBGDPL đã bắt đầu được các cơ quan, tổ chức chú trọng, nhất là cơ quan Tư pháp, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp ở địa phương. Tuy các trang Fanpage này mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã thu hút khá đông người dân, đoàn viên, thanh niên quan tâm, theo dõi. Là kênh thông tin, PBGDPL hiệu quả, góp phần đa dạng các hình thức thông tin, PBGDPL, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật và phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin.
Về khó khăn, hạn chế: Các trang Fanpage hiện nay đang hoạt động được xây dựng, duy trì theo hướng tự phát, chưa có sự định hướng thường xuyên, kịp thời nội dung PBGDPL. Khó khăn trong quản lý, kiểm soát nhằm phát huy vai trò, thế mạnh và chất lượng, tính khách quan thông tin của hình thức PBGDPL này.
Việc khai thác trang mạng xã hội đòi hỏi phải kết nối internet, đầu tư phương tiện (máy tính, smartphone), do đó khó phổ biến, tuyên truyền cho người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc địa bàn ứng dụng internet còn hạn chế.
Sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên nhiều Fanpage chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung giới thiệu, thông tin các văn bản, quy định mới… Nhiều Trang Fanpage thu hút được sự quan tâm, tham gia của khá đông thanh, thiếu niên, nhưng sản phẩm PBGDPL còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chất lượng chưa cao, đôi lúc chưa phù hợp với đối tượng.
Nhiều quản trị viên trang Fanpage còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chưa có nhiều thời gian đầu tư cho việc quản trị, nâng cao chất lượng nội dung. Nhiều trang mạng xã hội có nội dung pháp luật chưa chú trọng huy động cộng tác viên, chuyên gia có am hiểu pháp luật.
Kinh phí triển khai các hoạt động PBGDPL thông qua mạng xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu các thành viên tự nguyện thực hiện. Do đó việc xây dựng một số sản phẩm PBGDPL, tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, chương trình tư vấn, giải đáp pháp luật trực tuyến trên trang Fanpage còn gặp khó khăn do không có kinh phí hoặc kinh phí rất hạn chế.
- Hiện nay, xuất hiện một số hiện tượng về “những anh hùng bàn phím” hay là “bắt nạt trên mạng xã hội”, Phương Thanh bạn có suy nghĩ về hiện tượng này? 
Bạn Phương Thanh: Bên cạnh những giá trị tích cực mà MXH mang tới cho mọi người thì đi kèm với nó là những mặt trái không tránh khỏi. Mà “Anh hùng bàn phím” như câu hỏi của chương trình đưa ra là một trong những biểu hiện rõ nét nhất. 
Mình nghĩ có lẽ “Anh hùng bàn phím” là một khái niệm đã trở nên quen thuộc với mọi người chứ không phải là “hiện nay” mới xuất hiện. Bây giờ ở bất cứ đâu trên MXH, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy bóng dáng của những “anh hùng” này. Chỉ cần một ai đó đưa lên mạng xã hội thông tin thất thiệt thì không ít bạn trẻ như những con thiêu thân lao vào thông tin không kiểm chứng để... chửi bới, chia sẻ với tốc độ chóng mặt;... sẵn sàng và nhiệt tình tranh luận, bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó với thái độ không cần biết phải - trái, đúng – sai, bình luận một cách cảm tính mà dù không hiểu rõ sự tình chỉ để được nhận thật nhiều lượt like, lượt share. Thậm chí là sử dụng những lời lẽ khiếm nhã, tiêu cực để công kích, khiêu khích.
Thật đau lòng khi chúng ta gặp không ít những trường hợp, những bạn trẻ chỉ mới 18, 20 tuổi, vì không vững vàng trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay của cộng đồng mạng, các anh hùng bàn phím mà tự tìm đến cái chết. Những câu coment tưởng chừng vô hại của các anh hùng bàn phím đã vô hình tạo ra những áp lực ám ảnh,  bế tắc, khủng hoảng về tinh thần; Không ít những vụ ẩu đả, xô xát, chém giết xuất phát từ những tranh cãi, bình luận trên mạng xã hội. Họ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự cho bản thân mình quyền phán xét, đánh giá, xúc phạm người khác. Những bình luận mà "anh hùng bàn phím" tạo nên trên mạng xã hội là ảo lại gây ra những hậu quả thực, nỗi đau thực cho con người. Họ cứ vô tư làm tổn thương người khác, xâm phạm một cách công khai đời sống riêng tư của người khác mà như câu hỏi của chương trình đưa ra là “bắt nạn trên mạng xã hội”. 
Tôi cho rằng đây là một “vấn nạn” mới mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận, để tìm ra các giải pháp phù hợp để khắc phục và hạn chế tối đa sự lan rộng của nó trên MXH.
- Thưa ông Nguyễn Quốc Huy, có thể thấy mạng xã hội bây giờ như người bạn đồng hành cùng người trẻ trong thời đại 4.0. Vậy theo ông, từ góc độ của tổ chức đoàn chúng ta nên tận dụng “người bạn đồng hành” này như thế nào để định hướng văn hóa ứng xử cho giới trẻ, làm thế nào để trở thành những người sử dụng mạng xã hội một cách văn minh?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Nắm bắt được điều này, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội đã chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh Youtube, Fanpage, group Facebook theo các khối đối tượng thanh thiếu niên để tuyên truyền, giáo dục, định hướng. 
Cùng với đó là việc xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền, các sản phẩm truyền thông trên Internet, các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh dưới dạng ngắn gọn, hấp dẫn, dễ hiểu, tương tác cao để phục vụ công tác tuyên truyền.
Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội nhằm lan tỏa đi những câu chuyện đẹp hàng ngày, lấy yếu tố tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy tấm gương tốt góp phần làm cho xã hội, cho môi trường mạng tốt đẹp, lành mạnh hơn thông qua triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Cuộc vận động đang được triển khai rất tích cực, được sự hưởng ứng của các bạn trẻ. Hàm lượng thông tin tốt, tích cực được đăng tải, chia sẻ nhiều hơn, thường xuyên hơn, liên tục hơn. Rất nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, hành động đẹp, lời nói hay, câu chuyện truyền cảm hứng được đăng tải, chia sẻ rộng rãi. Các bạn trẻ đã biết cách tìm tòi, nhân lên các giá trị tốt đẹp thay vì chia sẻ những thông tin tiêu cực, không thực sự hữu ích.
Hiện nay, Trung ương Đoàn đang xây dựng Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên trên không gian mạng, giai đoạn 2020 - 2030. 
- Tất cả những giải pháp trên đều hướng tới mục tiêu là góp phần định hướng, giáo dục thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội tích cực, lành mạnh, an toàn, vì sự phát triển của chính thanh thiếu niên và xã hội. Hiện nay công tác giáo dục pháp luật pháp luật cho thanh thiếu niên đang rất được quan tâm, vậy thưa ông Phan Hồng Nguyên, trong thời gian tới Vụ có định hướng, giải pháp gì để phát huy vai trò, tác dụng của mạng xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên?
Ông Phan Hồng Nguyên:  Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác PBGDPL gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng. Đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Giáo dục Egroup và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông thi trên Internet với tên gọi “Luật gia tương lai”.
Cuộc thi đã thu hút được 233.650 học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước tham gia và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của cuộc thi từ những năm trước, năm 2019, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” cho học sinh trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để khai thác triệt để các tính năng của công nghệ thông tin trong PBGDPL, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” với 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về PGDPL, trong đó chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản về PBGDPL qua mạng xã hội để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động này.
Thứ hai, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của công tác giáo dục pháp luật nói chung, PBGDPL cho thanh, thiếu niên qua mạng xã hội nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành. Bên cạnh phổ biến, thông tin về tác dụng, ưu điểm của mạng xã hội, theo tôi cũng cần quan tâm thông tin hạn chế, tác hại của mạng xã hội đối với thanh, thiếu niên; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội để bảo đảm phát huy tối đa ưu thế của mạng xã hội.
Thứ ba, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng, vận hành Trang Facebook của Bộ Tư pháp về PBGDPL theo hướng tăng cường tính bảo mật, tương tác giữa các cá nhân, là nơi cung cấp các sản phẩm PBGDPL, tư vấn, giải đáp pháp luật tin cậy, hiệu quả. Nội dung pháp luật phổ biến phù hợp với từng nhóm thanh, thiếu niên, chú trọng vào các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng quan tâm hiện nay như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông đường bộ…; đồng thời tăng cường giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong thi hành pháp luật để tăng sức lan tỏa, giáo dục thanh, thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật.
Thứ tư, xây dựng các sản phẩm PBGDPL về các lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp, thiết thực với thanh, thiếu niên; cập nhật phổ biến các nội dung quy định, pháp luật mới, gắn với đời sống hằng ngày của đoàn viên, thanh thiếu niên. Thực hiện tuyên truyền theo từng chuyên đề sâu cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; chú trọng tuyên truyền các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng hiện đang quan tâm hiện nay như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông đường bộ…
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong PBGDPL, giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ trẻ qua mạng xã hội. Hiện Bộ Tư pháp đã có Chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức này trong công tác PBGDPL nên đây là sẽ điều kiện rất quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Thứ sáu, khuyến khích các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương xây dựng Fanpage có nội dung PBGDPL bảo đảm tính chính xác, bảo mật, kịp thời. Bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phù hợp để phụ trách quản trị Fanpage. Cấp kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động của trang Fanpage.
- Phương Thanh có chia sẻ gì thêm với các bạn đoàn viên, thanh niên về việc ứng xử trên mạng xã hội không? 
Bạn Phương Thanh: Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nó đã và đang có sức ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống thật của con người. Nhưng ảnh hưởng của MXH theo hướng tích cực hay tiêu cực thì còn phải dựa vào “điểm dừng” và mục đích sử dụng của mỗi người sử dụng. Mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin về đời sống khá tốt, nhưng nó chỉ thật sự phát huy được công dụng này khi người dùng biết chọn lọc thông tin tiếp nhận. Chúng ta sử dụng, khai thác MXH là điều cần thiết nhưng sự lạm dụng thoái hóa sẽ dần giết chết tuổi trẻ của chúng ta. 
Tôi và các bạn, chúng ta có tuổi trẻ. Nhiều bạn hô hào cho rằng, tuổi trẻ là có quyền sai lầm, nhưng thực tế có những sai lầm không thể sửa chữa được. Ở thế giới ảo, mọi người đều có thể chia sẻ quan điểm, suy nghĩ cá nhân và được quyền chọn nút xóa nếu thấy nó không phù hợp nữa. Nhưng những gì người khác đã đọc được thì khác, nó không thể tự mất đi trong não họ bằng một nút xóa. Vì vậy, trước khi comment về bất cứ một vấn đề gì đó, mong rằng mọi người sẽ dừng lại, dù chỉ 1 giây để nghĩ rằng, câu nói của mình có thực sự ảnh hưởng đến ai không, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương khi đánh giá một điều gì đó. Chúng ta phải thực sự tỉnh táo trước thể giới ảo. Cách khắc phục sống ảo là hãy sống thực tế với hiện tại.  Thế giới ảo, nhưng tổn thương là thật!
Sự đóng góp cho xã hội, cho cuộc đời của tôi, của các bạn là thông qua những hành động cụ thể, chứ không phải từ những lượt like hay share. Đừng phụ thuộc và thế giới ảo mà hãy làm chủ suy nghĩ và cuộc sống của chính mình. Hãy sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và có văn hóa!
Bạn Vũ Minh Trang (20 tuổi, sinh viên ĐH Luật Hà Nội) hỏi: Có một tâm lý chung của những người dùng mạng xã hội là thích hướng về những thông tin nóng, mới hơn là xem nguồn gốc chúng đến từ đâu, có chính xác hay không. Vậy người trẻ nên trang bị những kỹ năng gì để xử lý thông tin trong giai đoạn hiện nay?

Chị Phương Thanh: Có thể thấy giới trẻ ngày nay bị bủa vây bởi rất nhiều loại thông tin, như vậy họ sẽ cần có bộ lọc tin. Khi tin tức nhiều, những người có tri thức hoặc những người có văn hóa cao sẽ biết chọn lọc thông tin cần để thu nạp. Nhưng nhiều bạn trẻ chưa có văn hóa nền cần thiết, chưa có phông văn hóa lớn thì không lọc được, cái gì cũng có thể “nhét” ngay vào người và xem đó là điều pđúng đắn rồi làm theo. Từ thực trạng đó, phải thừa nhận rằng, mạng xã hội, tin giật gân… tất cả những điều đó tác động không nhỏ đến người trẻ theo cả hai hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Vì vậy, để xử lý thông tin trước thế giới ảo với nguồn thông tin khổng lồ như hiện nay, chúng ta cần xác định rõ mục đích khi tham gia vào các quan hệ trên mạng xã hội, tận dụng những lợi ích mà mạng xã hội đem lại; đồng thời cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tránh được những tác động tiêu cực của nó, nhất là các kỹ năng kiểm chứng, chọn lọc thông tin; không nên bàn luận, bình phẩm, share, like khi chưa tìm hiểu cặn kẽ và kiểm chứng các thông tin bằng kênh chính thống.  

- Độc giả có email phuonglinh34…@gmail.com hỏi: Tình trạng "phát ngôn gây thù ghét" của thanh thiêu niên trên không gian mạng hiện nay diễn ra vô cùng phổ biến vì những lý do hết sức ngớ ngẩn. Theo ông Nguyễn Quốc Huy, hệ lụy nguy hiểm của tình trạng này là gì?

Ông Nguyễn Quốc Huy: Tình trạng này đưa tới hệ lụy nguy hiểm cho giới trẻ và xã hội. Dễ thấy nhất là nó gây tổn thương tới các chủ thể tham gia mạng xã hội, chia rẽ các mối quan hệ, đưa các mối quan hệ trở nên xa cách hơn, mâu thuẫn hơn, khoét sâu sự khủng hoảng, phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống, thậm chí triệt tiêu các mối quan hệ, nhất là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế như người có khuyết tật, người đồng tính, chuyển giới hay các nhóm thiểu số khác. 

Trên bình diện rộng, phát ngôn gây thù ghét sẽ gieo rắc sự thù hận, có thể đẩy tới tình trạng bất ổn, rối loạn trật tự xã hội, nghiêm trọng hơn là trở thành một nguyên nhân khơi nguồn bạo lực, chia rẽ cộng đồng, nhất là khi những phát ngôn này hướng tới các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, giới tính, vấn đề nhạy cảm, đang thu hút sự quan tâm của công chúng, dư luận.

- Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là do sự phát triển của mạng xã hội với những sự việc tiêu cực, những thông tin “ngoài luồng” tràn lan mà khả năng “gạn lọc” của người trẻ lại hạn chế. Từ đó các bạn học, làm theo, khiến nhiều sự vụ đau lòng xảy ra liên tiếp. Thậm chí có những trường hợp được đào tạo bài bản lại có những diễn biến lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này thưa ông Phan Hồng Nguyên? 

Hiện nay theo Luật an ninh mạng, chúng ta đã có những quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng nói chung, trong đó có mạng xã hội nói riêng, ông có thể chia sẻ rõ hơn về những quy định này không? 

Ông Phan Hồng Nguyên: Vấn đề mà độc giả nêu là tác hại do mạng xã hội đem lại cho giới trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực như chúng ta đã nhận diện, phân tích, mạng xã hội còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của người sử dụng mạng xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật nếu không được trang bị kỹ năng và hiểu biết xã hội còn hạn chế. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc, định hướng thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức Đoàn Thanh niên và cơ quan liên quan; giáo dục kỹ năng sống lành mạnh, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, sống có lý tưởng, hoài bão. Theo tôi, cũng cần xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đồng thời nghiên cứu có các giải pháp kỹ thuậtđể bảo đảm thông tin đưa lên mạng lành mạnh.

Để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Điều 8 của Luật quy định các hành vi bị nghiêm cầm về an ninh mạng, trong đó có quy định về hành vi bị nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi như:

Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như: Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước ta, kích động bạo loạn…; chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán;tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Nguyễn Minh Lệ (34 tuổi, nhân viên ngân hàng) hỏi: Tôi có em gái học THPT và gần như “nghiện mạng xã hội”, dẫn tới việc thích thể hiện cái tôi một cách khó kiểm soát, dễ tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng. Bạn có thể tư vấn cho tôi cách giúp em gái “cai nghiện” mạng xã hội không?

Chị Phương Thanh: Hầu hết chúng ta lang thang trên mạng xã hội không mục đích, thường là khi cảm thấy nhàm chán, không có việc gì khác để làm, hoặc vì không có ai để chia sẻ. Vì vậy, theo mình, để giúp em bạn cai nghiện mạng xã hội, cách tốt nhất là kéo bạn ấy về với thế giới thật. Bạn hãy rủ em gái bạn đi chơi, cùng nhau trò chuyện, đọc một cuốn sách hay, cùng gia đình tham gia những hoạt động ngoài trời với nhau... để em gái bạn thấy cuộc sống còn nhiều điều thú vị và hấp dẫn hơn là mạng xã hội. Hãy động viên em bạn gỡ các ứng dụng mạng xã hội ra khỏi điện thoại, hạn chế tối đa việc truy cập, và chỉ đăng nhập khi thực sự cần thiết. Hãy chân thành chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với em gái bạn, mình nghĩ với những cách đó, em gái bạn sẽ không bị phụ thuộc vào mạng xã hội nữa.

Độc giả Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, giáo viên, đến từ Bắc Ninh) hỏi: Xin hỏi ông Nguyễn Quốc Huy, ông đánh giá thế nào về sự tác động của môi trường mạng internet đối với sự hình thành, phát triển và lối sống, đạo đức sinh hoạt của học sinh - sinh viên?

Mạng xã hội vừa là không gian ảo, vừa là không gian thực, là một môi trường tác động sâu sắc tới nhận thức, tư tưởng, hành vi, lối sống của mỗi người, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn trưởng thành, hoàn thiện về nhân cách, đang định hình, đi tìm lối sống và muốn thể hiện cái tôi của mình rất mạnh mẽ, là giai đoạn phải học tập, trau dồi tri thức và nhu cầu vui chơi gải trí cũng rất cao... 

Do đó, tác động của môi trường internet, mạng xã hội tới sự phát triển, hành vi lối sống của học sinh, sinh viên là rất sâu sắc, cả theo chiều tích cực lẫn tiêu cực. 

Đơn cử trong việc học tập, rõ ràng, internet là môi trường không thể lý tưởng hơn để học sinh, sinh viên tìm kiếm thông tin, tri thức phục vụ việc học tập của mình một cách nhanh nhất, đơn giản nhất, mọi lúc, mọi nơi. Các thông tin giải trí cũng vậy. Nhưng những tác động tiêu cực của nó cũng nhanh chóng, mạnh mẽ tương tự như vậy.

- Độc giả Nguyễn Ngọc Mai (Bắc Ninh) đưa ra câu hỏi: Giới trẻ hiện nay cho rằng, không gian mạng là nơi tự do thể hiện suy nghĩ cũng như ý kiến của bản thân. Do đó, nhiều bạn trẻ cho rằng việc áp dụng pháp luật vào không gian mạng sẽ gây áp đặt, ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của các cá nhân. Với những suy nghĩ như vậy, Vụ PBGDPL có gặp khó khăn trong việc phổ biến pháp luật đến các thanh thiếu niên hay không?

Ông Phan Hồng Nguyên: Vấn đề quản lý nhà nước về không gian mạng các nước trên thế giới đều thực hiện nhằm vận hành không gian mạng bảo đảm đúng pháp luật, lành mạnh, còn cá nhân tham gia không gian mạng có quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến nhưng phải theo quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan ninh mạng nói chung, trên không gian mạng nói riêng là cần thiết.

Để PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên mạng xã hội hiệu quả, theo tôi không có khó khăn về quy định pháp luật về sử dụng không gian mạng mà trái lại các quy định của pháp luật về sử dụng không gian mạng tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm cho thông tin nói chung, thông tin PBGDPL nói riêng được thông xuốt, chính xác. Để PBGDPL cho thanh, thiếu niên hiệu quả, thiết thực thì cần lựa chọn nội dung pháp luật, hình thức thể hiện trên mạng xã hội hấp dẫn, thiết thực với từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên như: thanh, thiếu niên đô thị, nông thôn, trường học… 

- Độc giả có email nguyenthiyenhlu…@gmail.com hỏi: Theo bạn, để trở thành người cư xử có văn hóa trên mạng xã hội thì giới trẻ, nhất là các bạn học sinh cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì?

Chị Phương Thanh: Khi sử dụng mạng mạng xã hội, trước hết bản thân người dùng phải tự trang bị những kỹ năng chọn lọc thông tin, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, xây dựng một hình ảnh sống tích cực; xây dựng một lối sống lành mạnh, hiểu biết pháp luật… tự tạo ra “sức đề kháng” cho mình trước những điều tiêu cực từ mạng xã hội. Muốn là người có văn hóa trên mạng xã hội, bạn phải là người có văn hóa trong cuộc sống thực hằng ngày trước đã. Có như thế, chúng ta mới có thể cùng nhau tạo ra một thế hệ những người Việt trẻ văn minh và cư xử có văn hóa trên mạng xã hội được.

Bạn đọc có email thutrang23…@gmail.com hỏi: Xin ông Phan Hồng Nguyên cho biết ý kiến về việc giới trẻ cần có hiểu biết về pháp luật, nhất là ở những môi trường “đặc biệt” như là không gian mạng? 

Ông Phan Hồng Nguyên: Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại, việc hiểu biết pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ để phục vụ học tập, công tác mà còn phục vụ cả cuộc sống của chính bản thân và gia đình. Trước hết pháp luật là công cụ ghi nhận quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội. Vì thế pháp luật chính là chỗ dựa để từng người dân xây dựng một cuộc sống lành mạnh văn minh. Pháp luật cũng tạo cơ sở pháp lý để nhà nước thực hiện việc quản trị xã hội, duy trì trật tự trị an, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề phát sinh từ xã hội, qua đó, tạo môi trường an toàn cho cuộc sống thường nhật của mỗi người dân. Vì thế, pháp luật vừa giữ vai trò bảo đảm ổn định xã hội vừa đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chính vì vây, có hiểu biết pháp luật thì mỗi người sẽ sống đúng, sống hạnh phúc.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước nên rất cần được trang bị kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về mạng xã hội để làm hành trang vững bước tương lai.

Bạn đọc có email duyhoanghn92…@gmail.com hỏi: Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, thậm chí có vụ tự tử chỉ vì bị uy hiếp công khai trên mạng xã hội. Tôi băn khoăn không biết người trẻ có phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, chia sẻ hay bình luận của mình trên thế giới ảo không?

Chị Phương Thanh: Đúng là có rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, những cái chết thương tâm xuất phát từ việc bị bắt nạt trên mạng xã hội. Các bạn trẻ cho rằng thế giới ảo, các comment là vô hại và họ sẽ ko phải chịu trách nhiệm với những phát ngôn trên mạng xã hội của mình. Nhưng thực tế nếu những phát ngôn đó gây ra hậu quả thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Và trên hết, trách nhiệm tôi nghĩ đến ở đây còn là trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cả xã hội. Đó mới là ý nghĩa lớn lao nhất mà một người Việt trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước phải có trách nhiệm khi phát ngôn trên mạng xã hội.

Bạn đọc có email hienthutran…@gmail.com hỏi: Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật đối với thanh thiếu niên là vấn đề đang được coi trọng. Xin ông Phan Hồng Nguyên cho biết Vụ GDPBPL đã làm gì để tăng cường, phổ biến quy định pháp luật cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những người sử dụng mạng xã hội, để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, có “văn hóa”? 

Ông Phan Hồng Nguyên: Như trên tôi đã đề cập, việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên cóvai trò rất quan trọng. Thời gian vừa qua, với vai trò là đơn vị tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác PBGDPL, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ đã tham mưu thực hiện một số hoạt động sau đây:

Thứ nhất, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL, đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; đề án, chương trình PBGDPL tạo cơ sở pháp lý cho công tác này. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” với 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông”. Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình phối hợp về PBGDPL cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Thứ hai, tham mưu Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL, trong đó chú trọng PBGDPL về an ninh mạng. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn liên quan mật thiết với thanh, thiếu niên, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018.

Thứ ba, trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Giáo dục Egroup và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông thi trên Internet với tên gọi “Luật gia tương lai”. Cuộc thi đã thu hút được 233.650 học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước tham gia và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của cuộc thi từ những năm trước, năm 2019, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” cho học sinh trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư,xây dựng các tàiliệu PBGDPL về các lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp, thiết thực với thanh, thiếu niêndưới nhiều hình thức như: đề cương pháp luật, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp, câu chuyện, tiểu phẩm pháp luật…. theo từng chuyên đề sâu cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; chú trọng tuyên truyền các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng hiện đang quan tâm hiện nay như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông đường bộ…

Thứ năm,tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong PBGDPL, giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ trẻ qua mạng xã hội, trong đó đã tổ chức chương trình truyền thông pháp luật cho thanh niên, tổ chức tọa đàm, hội thảo; hoạt động PBGDPL tại cơ sở cho thanh, thiếu niên thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp; diễn đàn pháp luật cho thanh niên về dự thảo luật đang trong quá trình soạn thảo như: dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự…Hiện Bộ Tư pháp đã có Chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức này trong công tác PBGDPL nên đây là sẽ điều kiện rất quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Bạn đọc có email namtran241…@gmail.com hỏi: Thưa ông Nguyễn Quốc Huy, ông nghĩ sao về việc xây dựng và ban hành những bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học? 

Ông Nguyễn Quốc Huy: Tôi thấy điều đó là rất cần thiết, cả với nhà quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên trong trường học, vì sự phát triển chung.

Chương trình kết thúc thành công sau hơn 1 giờ giao lưu trực tuyến. Nhiều câu hỏi khác sẽ được phản hồi qua địa chỉ email của độc giả. 

 baophapluat.vn

Các tin đã đưa ngày: