Thứ năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức 07 chương trình đối thoại trực tuyến, phóng sự, tọa đàm trên Đài Truyền hình Việt Nam (Phóng sự trên kênh VTV1; chương trình "Đời sống và pháp luật" trên VTV2), Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò, đánh giá tình hình xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (
www.moj.gov.vn) đã đăng tải nhiều tin, bài nghiên cứu, trao đổi thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Trung ương và địa phương.
Thứ sáu, Bộ Tư pháp đã lồng ghép kiểm tra nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 13 Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương
[1]; tổ chức 09 Đoàn khảo sát, kiểm tra chuyên đề
[2]. Các Sở Tư pháp đã tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên đề về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc lồng ghép với hoạt động kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh. Kinh phí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương chủ yếu được bố trí từ nguồn kinh phí PBGDPL đã cấp cho cơ quan Tư pháp các cấp. Một số địa phương đã quan tâm, phân bổ kinh phí cho Sở Tư pháp từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cao Bằng, Hòa Bình...
Thứ bảy, kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có nhiều tiến bộ. Năm 2017, cả nước có 61,54% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 59,71% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2018 có 81,25% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 80,22% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đã đóng góp thiết thực vào kết quả 50,8% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến tháng 8/2019). Qua 02 năm đánh giá, một số địa phương có tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao trên 90% là: Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc…Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng đã tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trình độ dân trí, trong đó có hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Một số nơi đánh giá còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tiễn; chưa có sự phân công rõ ràng trách nhiệm cho công chức theo dõi, tham mưu thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tài liệu kiểm chứng trong hồ sơ của một số địa phương chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác đánh giá. Nhiều địa phương sau khi đánh giá chưa đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng và điểm số đối với các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật đạt kết quả thấp. Nguồn lực dành cho thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tư tưởng cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị trong rà soát, đánh giá, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt ở cấp xã còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ. Một số địa phương chưa thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu, tháo gỡ khó khăn. Đội ngũ công chức được giao tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chất lượng chưa đồng đều.
3. Quan điểm, định hướng, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo
Nông nghiệp, nông thôn đang bước vào giai đoạn phát triển mới, một số vấn đề mới về định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đặt ra cần được cụ thể hóa theo hướng đảm bảo nguyên tắc “
xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”; bảo đảm bền vững, thực chất và phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trước những yêu cầu của tình hình mới, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo thực hiện quan điểm, định hướng, phương hướng, nhiệm vụ sau đây:
3.1. Quan điểm, định hướng
a) Bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiệu quả, thực chất gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ, phục vụ việc đánh giá chuẩn nông thôn mới.
b) Việc xây dựng, cụ thể hóa tiêu chí thành phần xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm thống nhất với các nội dung khác của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; kế thừa những chỉ tiêu, nội dung tiếp cận pháp luật còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung, thay thế những nội dung mà qua sơ kết cho thấy bất cập và không phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho người dân, nhất là đối tượng đặc thù.
3.2. Phương hướng, nhiệm vụ
Thứ nhất, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có tiêu chí thành phần xây dựng xã tiếp cận pháp luật; nghiên cứu, đề xuất đưa nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí huyện nông thôn mới. Trên cơ sở những bất cập của một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật qua sơ kết, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 619/QĐ-TTg, Thông tư số 07/2017/TT-BTP.
Thứ hai, chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với tất cả các đơn vị cấp xã trong cả nước. Sau khi đánh giá, thực hiện các giải pháp duy trì những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật để nâng cao chất lượng, điểm số các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong năm đánh giá tiếp theo.
Thứ ba, thông tin, truyền thông về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và hiểu biết của cán bộ, công chức và Nhân dân về nhiệm vụ này; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận với xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng cấp xã đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
Thứ năm, biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật cho địa phương, cơ sở.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, công chức trong việc theo dõi, thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có liên quan đến phạm vi quản lý. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện trong tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo khách quan, chính xác.
Thứ bảy, hướng dẫn chỉ đạo điểm về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn gắn với triển khai Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới” và Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn tiếp theo.
Thứ tám, quan tâm bố trí kinh phí phù hợp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức kiểm tra, khảo sát để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chú trọng đánh giá, sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bến Tre, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Phú Yên, Khánh Hòa
[2] Các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Lâm Đồng