Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và ngài Kamal Malhotra- Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, đại diện Ban nội chính Trung ương; Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; một số Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; cơ quan đại diện ngoại giao một số nước, tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
|
|
Báo cáo kết quả tại Diễn đàn cho biết, Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau sáu năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể tính đến 31/12/2019, chỉ tính riêng các vụ việc được tiếp nhận, thống kê, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%). Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được quan tâm triển khai kịp thời, sâu rộng, hiệu quả. Quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện tốt cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển. Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên được kiện toàn và tăng cường cả về số lượng và chất lượng; một số mô hình điểm có hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở được xây dựng và từng bước được nhân rộng. Hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp rất nhân văn, kịp thời, hiệu quả, bền vững; được người dân quan tâm, sử dụng ngày càng nhiều.
Ngọc Dung
Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp