I. TỪ HIẾN PHÁP NĂM 1946 ĐẾN HIẾN PHÁP NĂM 1992
Từ đầu thế kỷ 20 cho tới trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945), nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến vừa chịu sự bóc lột của thực dân Pháp vừa chịu sự cai trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn theo chính thể quân chủ chuyên chế. Về mặt pháp lý, nước ta không có Hiến pháp, về mặt thực tế, dân ta không có tự do và dân chủ. Điều rất đặc sắc là, trong đêm trường lịch sử ấy, những nhà ái quốc vĩ đại như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc khi trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân, đều sẻ chia một chân lý là con đường cứu nước, cứu dân phải có thành tố quan trọng là chủ nghĩa lập hiến. Trong bài Việt Nam yêu cầu ca (1922), Nguyễn Ái Quốc viết:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.”
Trong bản yêu sách gửi Hội Vạn quốc có sự ký tên của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc năm 1926, cả ba nhà yêu nước kiên quyết đòi hỏi “Phải giả quyền tự quyết cho dân Việt Nam!...Sắp đặt một nền Hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội, theo như những lý tưởng dân quyền…”
Đảng ta, được sáng lập và rèn luyện bởi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong những chỉ đạo chiến lược cách mạng của mình, rất đề cao tư tưởng lập hiến. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, tại Hội nghị trung ương 7 tháng 11/1940, Đảng đã chủ trương khi giành được chính quyền cần “Ban bố Hiến pháp dân chủ; ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân.”
Một ngày sau khi đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là phải xây dựng được một bản Hiến pháp dân chủ. Người khẳng định: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ". Ngay sau đó, Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xúc tiến việc soạn thảo Hiến pháp. Công việc này được đẩy mạnh sau khi Quốc hội đầu tiên của nước ta chính thức hoạt động sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946.
Ngày 9/11/1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, còn được gọi là Hiến pháp năm 1946. Bản hiến văn nổi tiếng, thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt, đủ sức lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp đầy hi sinh, gian khổ suốt 9 năm cho tới năm 1954. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy tầm vóc vĩ đại của bản Hiến pháp năm 1946. Có thể nói rằng, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ của một nước Việt Nam dân chủ - cộng hòa, không thua kém bất kỳ bản Hiến pháp dân chủ nào trên thế giới ở thời điểm đó. Ngày 9 tháng 11 năm 1946 đã đi vào lịch sử như ngày mở đầu cho lịch sử lập hiến của nước ta. Điều rất đáng vui mừng là với việc ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Quốc hội quyết định chọn ngày 9 tháng 11 hàng năm là ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, đất nước ta đã có 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1980. Mỗi bản Hiến pháp đều gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, thể hiện tầm nhìn, chọn lựa mang tính chiến lược về con đường phát triển của dân tộc ứng với từng thời kỳ.
Hiến pháp năm 1959 là bản Hiến pháp của thời kỳ hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc, đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là: xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiến hành cuộc đấu tranh ở miền Nam thống nhất đất nước. Với thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc hội chung của cả nước đã chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1959 và xây dựng bản Hiến pháp mới. Ngày 18/12/1980, sau gần 2 năm xây dựng tiến hành xây dựng dự thảo, trong đó có việc tham vấn rộng rãi ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (còn gọi là Hiến pháp năm 1980). Hiến pháp năm 1980 được xem là bản Hiến pháp của nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất sau hơn hai mươi năm bị chia cắt với những chế độ chính trị - xã hội khác nhau, Hiến pháp của bước đầu tiên quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đưa ra đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới ở đất nước ta với những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân như chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, hội nhập quốc tế về kinh tế, đồng thời mở rộng dân chủ, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh đó, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 nhất là các quy định về chế độ kinh tế, không còn phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Để khắc phục tình trạng này, nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 do Đại hội VII của Đảng thông qua, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, ngày 15/4/1992, Quốc hội nước ta đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1992. Việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 1992 là một quá trình thảo luận dân chủ và chắt lọc một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong tư duy phát triển của Đảng, Nhà nước ta, là bản Hiến pháp xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc về kinh tế, đổi mới từng bước về chính trị, với việc thừa nhận nền kinh tế thị trường trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khuyến khích sự tồn tại, phát triển lâu dài của khu vực kinh tế dân doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và đặt ra các yêu cầu đổi mới đối với khu vực kinh tế nhà nước. Bộ máy chính quyền ở Trung ương cũng có những đổi mới quan trọng theo hướng đề cao vai trò của Quốc hội, thiết lập lại thiết chế Chủ tịch nước, nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Chính phủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ, làm tiền đề đổi mới nền hành chính nhà nước vận hành năng động, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập.
Trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2001, tinh thần dân chủ và pháp quyền của Hiến pháp năm 1992 lại càng được làm sâu sắc thêm một bước. Mô hình nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cùng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính thức được hiến định.
Hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đất nước ta chứng kiến sự phục hưng và phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Dù một số năm gần đây, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, có những khó khăn rất nghiêm trọng, nhưng về tổng thể, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, thành tựu đổi mới của đất nước ta gắn liền với việc thi hành Hiến pháp năm 1992 là những thành tựu mang tính lịch sử. Hiến pháp năm 1992 cũng là nền tảng giúp chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật bao quát các lĩnh vực kinh tế - xã hội với hàng trăm đạo luật, trong đó phải kể đến các đạo luật quan trọng như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các đạo luật thuế, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cùng hàng ngàn văn bản hướng dẫn thi hành, làm tiền đề tiến hành công cuộc cải cách hành chính, cải cách pháp luật và cải cách tư pháp trong thời gian qua theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ.
Mặc dù vậy, để tiếp tục tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong thể chế và thúc đẩy phát triển đất nước, tiếp tục mở rộng dân chủ, đổi mới bộ máy chính quyền, kiểm soát hữu hiệu việc thực hiện quyền lực nhà nước, Đại hội XI của Đảng (tháng 1 năm 2011) đã chủ trương tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Suốt hơn 2 năm qua, có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã trở thành một sự kiện chính trị đặc biệt trọng đại trong đời sống chính trị của đất nước.
II. SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 - ĐỢT SINH HOẠT CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG VÀ RỘNG LỚN
Quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 từ khi có chủ trương của Đảng vào năm 2011 đến nay là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, cả trong và ngoài nước. Có thể khái quát quá trình này thành 3 giai đoạn quan trọng:
- Giai đoạn tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc ngày 6/8/2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 06/2011/QH13 “Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Ngày 23/8/2011, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tiến hành công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 làm cơ sở cho việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Công việc tổng kết đã được các cơ quan tiến hành khẩn trương, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học và được hoàn tất để gửi cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong khoảng thời gian 4 tháng. Trên cơ sở các báo cáo tổng kết cùng các hoạt động nghiên cứu do Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiến hành dưới sự chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo cáo tổng kết thi hành hiến pháp 1992 và Dự thảo 1 Hiến pháp sửa đổi đã được hoàn tất để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 5 khóa XI) và trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2012) thảo luận, cho ý kiến.
Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 38/2012/QH13 về “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, đợt lấy ý kiến giai đoạn 1 “bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013”.
- Giai đoạn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, công việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan thực hiện một cách bài bản, khoa học, theo tinh thần phát huy dân chủ, tính tích cực chính trị của các cá nhân, tổ chức. Tính đến hết ngày 31/3/2013, sau 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, theo báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan, đã có trên 26 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với khoảng 28 ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, thể hiện sự tâm huyết của đồng bào ta ở trong nước và ở nước ngoài đối với việc sửa đổi, bổ sung đạo luật cơ bản của nước ta.
- Giai đoạn hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để trình Quốc hội xem xét, thông qua:
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhiều lần tiếp thu, giải trình tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 5-6/2013). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp tục các công việc phục vụ việc hoàn thiện dự thảo. Các cơ quan hữu quan (nhất là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan) đã tích cực tham gia đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiện tại, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2013) thảo luận, xem xét, thông qua. Dự kiến, nếu được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trong thời gian ngắn sắp tới. Đây là một dấu mốc mới quan trọng trong lịch sử lập hiến của nước ta.
III. DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này được xây dựng theo những định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thứ hai, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ ba, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ năm, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ bảy, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới.
Thứ chín, sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Từ những định hướng cơ bản đó, dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi đã kế thừa những nội dung và kỹ thuật lập hiến còn phù hợp trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, đồng thời kịp thời thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Dự thảo trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 bao gồm 120 điều được chia thành 11 chương. So với Hiến pháp hiện hành, bản dự thảo ít hơn 27 điều với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, cụ thể như sau:
- Dự thảo khẳng định nhân dân là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp; khẳng định các hình thức thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của nhân dân;
- Dự thảo thể hiện cam kết cao của nhà nước ta với việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người; bổ sung thêm một số quy định mới về quyền và nguyên tắc thực hiện quyền con người phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam;
- Dự thảo khẳng định và cụ thể hóa một bước nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với việc phân công rõ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
- Dự thảo một mặt để mở cho luật quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, mặt khác hiến định rõ hơn các nguyên tắc làm cơ sở xây dựng mối quan hệ phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
- Dự thảo nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án, một yêu cầu quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Dự thảo nêu rõ “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”. Dự thảo cũng khẳng định rõ “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.
- Dự thảo tiếp tục khẳng định mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời hiến định yêu cầu phát triển bền vững (gắn việc xây dựng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định rõ “các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.” Dự thảo tiếp tục khẳng định quy định rất đúng đắn của Hiến pháp năm 1992 rằng “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về kỹ thuật lập hiến.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng mở cửa, hội nhập, yêu cầu đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị rất bức thiết hiện nay, những điểm mới nêu trên của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có thể được xem là sự lựa chọn ở tầm trung hạn với những bước đi thận trọng của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn hiện nay. Những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng đó, cùng với những nội dung còn phù hợp của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được kế thừa sẽ là khuôn khổ hiến định để chúng ta tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền dân chủ trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, đề cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp, thượng tôn pháp luật, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.