Liên kết website

Lạng Sơn: Tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi lần III năm 2016

26/08/2016

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Lạng Sơn, ngày 22 và 23 tháng 8 năm 2016 tại Trung tâm Văn Hóa tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ III. Hội thi có sự tham dự đầy đủ của 11 đội thi đến từ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng số 69 hòa giải viên của các đội, đại diện cho trên 13.470 tổ viên tổ hòa giải và 2.320 tổ hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó mỗi đội có 3 hòa giải viên chính thức và 4 hòa giải viên khác tham gia các vai phụ trong phần thi tiểu phẩm.

Đây là Hội thi lần thứ III của tỉnh được tổ chức, trước đó tỉnh Lạng Sơn đã hai lần tổ chức lần thứ I năm 2000, lần thứ II năm 2005. Hội thi Hòa giải viên giỏi của tỉnh diễn ra không khí cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích  kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9; kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Ngành tư pháp (28/8), hướng tới hưởng ứng ngày Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11), đặc biệt là thiết thực kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11).

Trước đó, đồng loạt trong tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2016 các huyện, thành phố đã tổ chức Hội thi cấp huyện. Hội thi tại cấp huyện, diễn ra trong không khí phấn khởi, sôi nổi, khách quan và đúng thể lệ quy định. Các đội tham gia thi đều phải trải qua 03 phần thi là: thi trắc nghiệm lý thuyết, thi xử lý tình huống, thi tiểu phẩm. Phần lớn các tiết mục tham gia Hội thi đều có chất lượng, hấp dẫn tạo không khí hào hứng, sôi nổi, thu hút sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Qua đó đã chọn được các Hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho Đội thi của huyện tham dự Hội thi cấp tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 500/QĐ-BTP ngày 28/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức “Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III”, Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn về tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ III. Sáng ngày 23 tháng 8 năm 2016, chính thức khai mạc Hòa giải viên giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ III năm 2016.

Các đội dự thi đến từ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tổ chức thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa, bao gồm 03 phần thi: Phần thi lý thuyết; Phần thi xử lý tình huống; Phần thi tiểu phẩm.
Đến dự và chỉ đạo Hội thi có Lãnh đạo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, thừa ủy quyền Lãnh đạo UBND tỉnh. Đại biểu khách mời và khán giả khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh và hòa giải viên đại diện 104 Tổ hòa giải thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Phát biểu khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ III năm 2016, đồng chí Hoàng Thúy Duyên, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi của tỉnh nhấn mạnh: cuộc thi là dịp để các hòa giải viên được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đồng thời để biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở  trong việc vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các đội tham gia thi đều phải trải qua 03 phần thi là: thi lý thuyết, thi xử lý tình huống, thi tiểu phẩm. Phần lớn các tiết mục tham gia Hội thi đều có chất lượng, hấp dẫn tạo không khí hào hứng, sôi nổi, thu hút sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của người xem. Mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn, điều kiện còn gặp khó khăn, nhưng các đội thi đã cố gắng khắc phục những trở ngại, tích cực tham gia Hội thi sôi nổi, nhiệt tình. Các đội thi đã bám sát chủ đề Hội thi, thể hiện sự học tập và lao động nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị, được Ban tổ chức đánh giá cao và biểu dương tinh thần tham gia hội thi của các đội thi.
Ở Phần thi lý thuyết: Đây là phần thi về kiến thức pháp luật với phạm vi rộng ở nhiều đạo luật, đòi hỏi người thi phải có sự đầu tư nghiên cứu kỹ, tuy nhiên phần lớn các đội đều đã nắm vững các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, pháp luật về đất đai, dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường.
Phần thi xử lý tình huống: Đây là các tình huống được Ban tổ chức hội thi đưa ra trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn công tác hòa giải cơ sở, rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày ở địa phương. Ở phần thi này Các đội thi đã vận dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn để xử lý các tình huống tương đối thuyết phục, có lý, có tình. Một số đội thi còn biết vận dụng các kỹ năng hòa giải, phong tục tập quán, đạo đức xã hội, ca dao tục ngữ… để vận động, thuyết phục các bên nhìn nhận ra cái đúng, cái sai, cái nên làm và cái không nên làm từ đó chủ động dàn xếp với nhau về các tranh chấp.
Phần thi tiểu phẩm: Các đội đã mang đến hội thi các tiểu phẩm có nội dung tương đối hấp dẫn, nhiều màu sắc, tạo sức lôi cuốn cho người xem. Các đội thi có sự dàn dựng công phu và trình diễn tiểu phẩm dưới hình thức sân khấu phù hợp, mang lại hiệu ứng tích cực. Nổi bật là các tiểu phẩm: “Khi ta đã hiểu” của đội thi huyện Cao Lộc;  “Câu chuyện vùng cao” của đội thi huyện Tràng Định; “2 gạch không sao nào” của đội thi huyện Chi Lăng; “Chuyện nhỏ phố tôi” của đội thi huyện Văn Quan; “Hãy chung tay bảo vệ môi trường” của đội thi huyện Hữu Lũng.
Mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn, điều kiện còn gặp khó khăn, nhưng 11 đội thi đến từ các huyện, thành phố đã cố gắng khắc phục những trở ngại, tích cực tham gia Hội thi sôi nổi, nhiệt tình. Các đội thi đã bám sát chủ đề Hội thi, thể hiện sự học tập và lao động nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị.
Ban Tổ chức đã nhiệt tình, chu đáo và có trách nhiệm tổ chức họp bàn phân công nhiệm vụ các thành viên hết sức rõ ràng, cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, cá nhân. Về phía Ban Giám khảo đã làm việc nghiêm túc, công tâm và khách quan trong việc chấm điểm theo đúng thể lệ Hội thi, tạo được sự công bằng giữa các đội.

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức Hội thi trao Cờ lưu niệm, Giấy chứng nhận đạt giải và giải thưởng Hội thi cho các Đội thi theo thứ tự tổng điểm thi của 03 phần thi lấy từ cao xuống thấp, với kết quả: 01 Giải nhất: Đội thi huyện Bình Gia; 02 Giải nhì: Đội thi huyện Văn Lãng; Đội thi huyện Cao Lộc; 03 Giải ba: Đội thi huyện Chi Lăng, Đội thi huyện Hữu Lũng, Đội thi huyện Đình Lập; 05 Giải khuyến khích: Đội thi huyện Tràng Định, Đội thi huyện Lộc Bình, Đội thi huyện Bắc Sơn, Đội thi huyện Văn Quan, Đội thi thành phố Lạng Sơn.
Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 05 Giải phụ, gồm: Đội thi trả lời phần thi trắc nghiệm đúng và nhanh nhất: Đội thi huyện Văn Lãng; Đội thi có phần thi xử lý tình huống đúng, hay nhất: Đội thi huyện Bình Gia; Đội thi có phần thi tiểu phẩm hay nhất: Đội thi huyện Cao Lộc; Người dự thi cao tuổi nhất: ông Bùi Minh Thắng, đội thi thành phố Lạng Sơn; Người dự thi trẻ tuổi nhất: em Nông Thị Anh Thơ, đội thi huyện Tràng Định.
Quy Hội thi cho thấy các Hòa giải viên đã bước qua rào cản về tâm lý để vượt lên chiến thắng chính bản thân mình, đáp ứng tốt đòi hỏi về chủ đề của Hội thi, cống hiến cho khán giả nhiều tiểu phẩm hay, tình huống rất đời thường xảy ra trong cuộc sống có vận dụng quy định của pháp luật vào giải quyết đem lại bình yên cho xã , phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Ông Phùng Xuân Liên, thành viên đội thi huyện Bình Gia, cho biết: “Hòa giải ở cơ sở là một truyền thống đạo lý tốt đẹp đã có từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, Ban tổ chức Hội thi cấp tỉnh đã tạo ra một tạo diễn đàn để giao lưu học hỏi, để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên như chúng tôi. Qua Hội thi, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệp hay, bài học quý để làm tốt hơn nữa công tác hòa giải, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Hội thi lần này đã cho thấy rõ sự vững vàng, tiến bộ rõ nét về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng hòa giải, xử lý tình huống, cũng như bản lĩnh của những hòa giải viên. Hội thi là cơ hội tốt để nâng cao vai trò và kiến thức của các hòa giải viên cơ sở, đồng thời là đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng đến mọi người dân.
Em Nông Thị Anh Thơ, đội thi huyện Tràng Định, là thí sinh trẻ nhất của Hội thi, em chia sẻ: “Hội thi như một ngày hội lớn của các Hòa giải viên, qua hội thi này, em rất vui và tự hào là thí sinh nhỏ tuổi nhất may mắn có cơ hội tiếp xúc gần hơn với pháp luật nước ta, khi tham gia em thấy pháp luật không khô khan như mọi người nghĩ cho thấy đây là những điều rất đơn giản, thiết thực trong cuộc sống đời thường, em cũng nhưng mọi người tham gia, được giao lưu học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích, học hỏi được nhiều kiến thức pháp luật để có thể tuyên truyền và phổ biết pháp luật tới các bạn trẻ và tất cả bà con trong thôn nơi em sinh sống. Sau Hội thi em mong muốn em và tất cả thí sinh các đội bạn hãy quan tâm nhiều hơn tới người dân, đặc biệt là bà con nơi vùng sâu, vùng xa điều kiện tiếp cận thông tin còn thiếu, để tránh lạm dụng các phong tục lạc hậu mà quên đi pháp luật công bằng, cho mọi người hiểu hơn về pháp luật nước ta, để hạn chế vị phạm pháp luật, thúc đẩy nước ta ngày càng văn minh giàu đẹp”
Đồng thời, sau Hội thi, trên cơ sở kết quả của các đội, Ban tổ chức Hội thi cấp tỉnh sẽ thành lập Đội thi cấp tỉnh, lựa chọn nhưng Hòa giải viên giỏi, tiêu biểu, có kiến thức, có bản lĩnh sân khấu, có chuyên môn cao trong công tác hòa giải, tiến hành tập luyện để tham dự cuộc thi Cụm, được tổ chức vào trung tuần tháng 9 năm 2016.
Nông Quý Phúc – Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn

 
Các tin đã đưa ngày: