Liên kết website

Cần phân biệt để tránh “nhầm” khi hoà giải

11/04/2013

Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành là hơn 80% vụ việc. Đây là kết quả lớn, giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và giảm tải cho các cơ quan chức năng. Qua đó cho thấy, “công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, đậm tính nhân văn, vì mọi người và trên cơ sở tình người”. Tuy nhiên không phải vụ việc nào cũng do Pháp lệnh hoà giải cơ sở điều chỉnh mà tuỳ vào từng trường hợp cụ thể vụ việc hoà giải bị chi phối bởi các văn bản pháp luật khác và phải thiết lập một hội đồng theo quy định để thực hiện công tác hoà giải.

  Có khuyến khích, có bắt buộc

Theo quy định tại Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì hoà giải được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư như mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung ... Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ... thì cũng được tiến hành hòa giải.

Khi tiến hành hòa giải, hoà giải viên có thể hòa giải bằng cách gặp gỡ từng bên hoặc các bên và sau khi tìm hiểu sự việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tham khảo ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, lắng nghe ý kiến của các bên, hoà giải viên phân tích, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó. Như vậy theo Pháp lệnh hoà giải cơ sở thì phương thức hoà giải đôi khi không cần lập biên bản và chỉ thực hiện bằng lời nói.

Cũng là vấn đề hoà giải nhưng không thuộc trường hợp khuyến khích mà phải bắt buộc để làm cơ sở căn cứ khởi kiện tại toà án đó là hoà giải về tranh chấp đất đai. Khoản 2, Điều 135, Luật đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp. UBND nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai...”.

Theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã là một thủ tục có tính chất pháp lý bắt buộc. Đây có thể được coi như là một giai đoạn tiền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân hoặc của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.

Không thể lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Một vấn đề khác biệt giữa hoà giải cơ sở và hoà giải tranh chấp đất đai là hoà giải cơ sở là đối với hoà giải cơ sở do Tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác thực hiện. Cơ cấu tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Uỷ ban nhân dân cùng cấp công nhận.

Đối với hoà giải tranh chấp đất đai lại khác. Khi hoà giải tranh chấp đất đai phải do Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập gồm chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Hội đồng; Đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phường, thị trấn; Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp, bản, buôn, phum, sóc đối với khu vực nông thôn; Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.

Do vậy dù mục đích hoà giải cơ sở và hoà giải tranh chấp đất đai là tương đối giống nhau về ý nghĩa nhưng tuỳ vào từng vụ việc tranh chấp mà xác định văn bản pháp lý áp dụng cho vụ việc hoà giải là Pháp lệnh hoà giải cơ sở hay Luật Đất đai, không thể lấy vụ việc tranh chấp đất đai hoà giải tại tổ hoà giải sau đó nộp biên bản hoà giải để làm thủ tục khởi kiện tại toà, cũng không thể dùng Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn thực hiện các vụ hoà giải như ly hôn hay yêu cầu cấp dưỡng…

Như vậy, tuỳ vào từng nội dung vụ việc tranh chấp phát sinh và có yêu cầu mà chúng ta xác định văn bản pháp lý áp dụng Pháp lệnh hoà giải hay Luật đất đai để giải quyết đúng quy định tránh việc nhầm lẫn dẫn đến hồ sơ giải quyết của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Thanh Xuân

Các tin đã đưa ngày: