Liên kết website

Tăng cường năng lực cho đội ngũ tập huấn viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên

21/08/2022

Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội có từ lâu đời, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, được Nhà nước thừa nhận, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Đến nay, hầu hết các thôn, tổ dân phố đều có tổ hòa giải ở cơ sở (tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 87.964 tổ hòa giải với 551.328 hòa giải viên). Tỷ lệ hòa giải thành trung bình các năm trên cả nước đều đạt trên 80%. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế như chất lượng, hiệu quả hòa giải chưa cao, không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống;...

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra cho công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn mới, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải ở cơ sở mà khâu quan trọng đầu tiên là nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2019-2022”. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án nêu ra là “xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho hòa giải viên”.

Nhằm trang bị phương pháp tập huấn tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm; củng cố kỹ năng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên, ngày 17/8/2022, tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn về phương pháp bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho tập huấn viên các tỉnh khu vực miền Nam.
 
Tham dự Hội nghị có trên 60 tập huấn viên cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong khu vực, gồm: Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương.

Trong thời gian 01 ngày làm việc, các tập huấn viên đã được nghe PGS. TS. Nguyễn Thị Lan – Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày, giới thiệu về các phương pháp, kỹ năng tập huấn về hòa giải ở cơ sở theo phương pháp tích cực lấy người học làm trung tâm, cách thức để tổ chức, tiến hành khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên. Theo đó, các học viên được chia thành các nhóm để cùng trao đổi, thảo luận, tương tác về các vấn đề giảng viên gợi mở. Đặc biệt, mỗi nhóm được lựa chọn một nội dung cụ thể trong Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên (ban hành kèm theo Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020 của Bộ Tư pháp) để thực hành đóng vai giảng viên giảng thử với phương pháp tập huấn phù hợp; qua đó, bảo đảm tính thực chất, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng của từng phương pháp, kỹ năng tập huấn.
 
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trực tiếp giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương trong việc thực hiện thực hiện thủ tục thanh quyết toán chi hỗ trợ thù lao vụ việc hòa giải; trong thực hiện quy định về tiêu chuẩn “là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở” của hòa giải viên quy định tại Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện Chỉ tiêu 2 của Tiêu chí 3 về “Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở” quy định tại Thông  số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả, cách hiểu thống nhất về yêu cầu “Có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải” của mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả tại Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh...

Hội nghị được các tập huấn viên đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên môn hóa trong công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: