Liên kết website

Câu chuyện con trâu và con nghé

21/11/2012

Hôm nay chủ nhật được nghỉ học, sáng dậy, Hùng khoan khoái hít thật sâu như muốn cảm nhận được hết không khí trong lành của buổi sáng yên bình ở làng quê. Lấy vội mấy củ khoai mẹ mới nướng thơm lừng trong bếp, Hùng  đến chỗ con trâu, xoa xoa lên đôi sừng đáng yêu của nó, huýt sáo và dắt ra đồng. Sở thích của Hùng vào ngày cuối tuần là được ra cánh đồng cỏ bát ngát nằm đọc truyện hoặc đùa nghịch với lũ trẻ chăn trâu. Thả cho con trâu ăn cỏ, kiếm chỗ bóng râm ngồi nghỉ, Hùng mở quyển truyện mang theo ra đọc. Vừa đọc, Hùng vừa thỉnh thoảng đưa mắt canh chừng con trâu. Bỗng nhiên tiếng kêu là lạ của con trâu khiến Hùng giật mình. Nhìn ra, Hùng thấy một con trâu lạ, mình lấm lem bùn đất với cái bụng lùm lùm đang ngơ ngác quanh quẩn bên con trâu của nhà mình. Nhìn dáng vẻ của nó, Hùng biết nó bị lạc. Ồ con trâu này của nhà nào trong làng mình nhỉ, Hùng chạy khắp cánh đồng hy vọng tìm được chủ nhân của nó nhưng không thấy ai nhận. Hùng nghĩ mình sẽ nói với bố thông báo cho bác trưởng thôn về sự việc này.

Dắt hai con trâu về đến sân, Hùng gọi:

Hùng: bố mẹ ơi, con bắt được một con trâu bị lạc, hình như nó đang có chửa.

Ông Thanh (bố Hùng) đang cuốc đất ngoài vườn chạy vào: đâu, bố xem nào, (vừa nhìn con trâu ông vừa xuýt xoa) con trâu này đẹp đây nhưng giờ mình phải giải quyết thế nào nhỉ?

Bà Nụ (mẹ Hùng vừa thổi cơm trong bếp vừa lên tiếng): hai bố con ông thông báo cho trưởng thôn để họ thông tin trên loa truyền thanh, nhà ai có trâu lạc thì đến nhà mình nhận về.

Hùng: mẹ nói đúng ý con rồi, nhặt được của rơi trả người đánh mất mà. Ngoài việc báo trưởng thôn mình phải báo cho cả Ủy ban nhân dân xã nữa bố mẹ nhỉ (Vừa nói Hùng vừa dắt hai con trâu ra ngoài vườn cột vào gốc cây mít).

Ông Thanh: con nói phải đấy, thôi bà ở nhà nấu cơm, tôi và con đi đến nhà ông trưởng thôn và lên Ủy ban nhân dân xã giải quyết việc này nhé.

Nói rồi, hai bố con Hùng tất tả đi về phía cuối làng.

Ngày hôm sau, trên trạm tin của xã và loa truyền thanh đã phát tin về việc nhà Hùng bắt được con trâu bị lạc, nếu ai mất thì đến nhận. Ngày qua ngày, vẫn chẳng thấy ai đến nhà Hùng nhận trâu. Hàng ngày, bố mẹ Hùng vừa phải chăm con trâu của nhà, giờ phải chăm thêm con trâu lạc đang chửa, thêm vất vả, tốn kém. Tính từ ngày Hùng mang con trâu về nhà, đến nay đã được 5 tháng, con trâu đã đẻ một con nghé rất đáng yêu.

Một hôm, Hùng đang ở ngoài vườn cho mấy con trâu ăn cỏ, bố mẹ đang lúi húi thái rau cho lợn ăn thì nghe thấy tiếng gọi:

- Ông bà Thanh có nhà không đấy?

Ông Thanh: có, ai đấy…(vừa nói ông Thanh vừa đi ra ngoài ngõ, nhìn thấy hai người đàn ông bước vào nhà mình, một người là bác Lâm – trưởng thôn, còn người lạ mặt kia cũng trạc tuổi ông Thanh), vâng chào hai bác, mời hai bác vào nhà uống nước.

Ông Lâm: Đây là ông Cường, người làng Hạ. Ông ấy bị mất con trâu. Các anh ở Ủy ban nói tôi dẫn ông Cường đến gặp ông bà xem con trâu nhà ta bắt được có phải trâu của ông ấy không.

Ông Cường: Thưa ông, gia đình tôi mất con trâu đã 5 tháng nay, cũng đã đi tìm khắp nhưng không thấy. May quá, hôm đi chợ phiên bà nhà tôi nghe mọi người làng mình nói cháu Hùng nhà ta có bắt được một con trâu, nay tôi sang nhà ông để xem đó có phải con trâu của nhà tôi không?

Ông Thanh: con trâu nhà ông có đặc điểm nhận dạng gì riêng biệt không?

Ông Cường: ở sừng bên trái của nó có vết nứt rất sâu hình chữ V

Ông Thanh: thế thì là đúng con trâu này đấy, tôi đang cột nó ở ngoài vườn, các ông ra xem.

Mọi người ra vườn vừa xem vừa nói chuyện.

Bà Nụ đang lúi húi trong bếp từ nãy đến giờ chạy ra vườn nói: thôi, chuyện còn dài, mời các bác vào nhà uống nước, nói chuyện.

Vào trong nhà, ông Cường nhấp chén nước rồi nói: Câu chuyện thì hai gia đình đã biết rồi, giờ tôi xin phép thưa với hai bác thế này: con trâu đó đúng là của nhà tôi. Từ khi nó bị lạc, nhà bác mang về nuôi đến giờ đã được 5 tháng, nó đã béo khỏe lên và còn đẻ được một con nghé nữa, công sức chăm sóc và chi phí của gia đình bác dành cho con trâu và con nghé rất nhiều. Vì vậy, tôi thật lòng muốn gửi gia đình mình chi phí để cảm ơn gia đình và xin phép gia đình cho tôi xin lại con trâu và con nghé đó.

Ông Thanh: theo tôi thì thế này nhé, con trâu nhà ông bị lạc gia đình tôi đã tốn bao công sức, chi phí để nuôi nó bây giờ ông trả chi phí cho gia đình tôi là đúng rồi nhưng con trâu khi về nhà tôi nó mới đẻ ra con nghé. Con nghé đó gia đình tôi đã chăm sóc và nuôi nấng nó ngay từ đầu, vì vậy tôi sẽ trả cho ông con trâu nhưng con nghé thì  phải là của gia đình tôi.

Ông Cường: thực ra tôi phải cảm ơn gia đình bác rất nhiều nhưng con trâu nhà tôi hôm bị lạc nó đang chửa, vì vậy gia đình bác phải trả tôi cả con trâu và con nghé. Tôi sẽ trả chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hùng: Con xin phép bố mẹ và hai bác được tham gia câu chuyện ạ. Con là người đã bắt được con trâu và đồng thời cũng cùng với bố mẹ chăm sóc con trâu và con nghé. Hôm nay con mạnh dạn được tham gia vào câu chuyện này vì mấy hôm vừa rồi ở trường, trong tiết học giáo dục công dân cô giáo đã giảng cho chúng con hiểu quy định pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Cô đã đưa ra tình huống pháp luật về “xác lập quyền sở hữu tài sản đối với gia súc bị thất lạc”, tình huống đó tương tự như câu chuyện của nhà mình đây. Theo cô giáo con giảng thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thông báo công khai mà người chủ của con trâu đến nhận lại tài sản đã mất và trong thời gian đó con trâu đẻ ra con nghé thì người bắt được phải trả con trâu đó và sẽ được hưởng một nửa giá trị con nghé. Người có con trâu bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.

 Ông Lâm: Chà, được đi học có khác, giỏi thật. Cháu nó nói như vậy là đúng đấy hai bác à. Việc thất lạc gia súc không phải là chuyện lạ ở làng quê chúng ta. Chính vì thế, khi đưa bác Cường sang đây xem trâu, tôi đã cầm sẵn theo cuốn tài liệu pháp luật đây này. Tôi giải thích lại cho hai bác nhé:

Theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Dân sự thì “người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được. Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận, thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được; nếu gia súc bắt được là gia súc thả rông theo tập quán, thì thời hạn này là một năm.

Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con, thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.

Ông Thanh: pháp luật đã quy định rõ như vậy, hợp tình, hợp lý, thế mà ông cứ đòi dẫn cả trâu, cả nghé về.

 Ông Lâm: Như vậy, trong trường hợp của hai gia đình thì khi cháu Hùng  bắt được con trâu mà sau đó con trâu đã đẻ một con nghé nhưng thời gian nuôi dưỡng mới được 5 tháng nên gia đình ông Thanh vẫn phải trả con trâu cho ông Cường. Ông Cường phải thanh toán chi phí nuôi dưỡng con trâu cho ông Thanh, còn con nghé thì tùy hai người thỏa thuận. Người nhận nuôi con nghé sẽ phải thanh toán cho người kia một nửa giá trị con nghé.

Ông Cường: ồ, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, tôi sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Còn về tình cảm, gia đình tôi rất cảm ơn gia đình mình.

Ông Thanh: (cười)…pháp luật thật gần gũi với người dân, rất công bằng, thôi…chúng ta thưởng thức chén trà này đã…

Nhìn bố và hai bác ngồi nhâm nhi bên chén trà tươi mới hái, Hùng thấy vui vui, cảm thấy những kiến thức pháp luật mình vừa mới học thật hữu ích.

Các tin đã đưa ngày: