Liên kết website

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên

30/07/2018

Trong những năm qua công tác tổ chức thực hiện pháp luật, mà khâu đầu tiên là phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tại tỉnh Điện Biên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, địa phương trên địa bàn đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của ngành, cấp mình trong việc phổ biến các văn bản pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Nhờ đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; kịp thời phổ biến hầu hết các văn bản Luật, văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức phù hợp đến từng nhóm đối tượng trên địa bàn. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật tại địa phương.

Tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nhận thức pháp luật của cán bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh còn hạn chế; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy được áp dụng tương đối phong phú, đa dạng nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; công tác phối hợp trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa chủ động, thiếu nguồn lực để thực hiện; một số chương trình phối hợp được ký kết nhưng không có khả năng triển khai trên thực tế, không phát huy được hiệu quả; nhiều đơn vị còn bị động, lúng túng trong việc triển khai, thậm chí không triển khai được các hoạt động theo kế hoạch trên thực tế; một số cơ quan cấp huyện và không ít chính quyền cấp xã còn chưa thực sự quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được xây dựng, kiện toàn kịp thời, song kỹ năng tuyên truyền, phổ biến còn hạn chế, còn thiếu tích cực, chủ động trong việc tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình; kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và toàn quốc nói chung, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quy định rõ hơn về tổ chức, tài chính, trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật; quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hai là, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của các cơ quan chuyên trách về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, số lượng biên chế, cơ cấu tổ chức của phòng phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp và công chức phụ trách lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phòng Tư pháp. Nghiên cứu thành lập Ban Thông tin và Truyền thông ở cấp xã để thực hiện công tác thông tin, truyền thông, trong đó có nội dung truyền thông về pháp luật. Đối với các ngành cấp tỉnh cần có ít nhất 01 biên chế có trình độ cử nhân luật thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo đơn vị và trực tiếp thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi ngành quản lý.
Ba là, quy định chính sách tài chính hợp lý phục vụ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Quy định rõ tỷ lệ phần trăm (%) kinh phí trong tổng ngân sách được cấp dành riêng để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, hoặc quy định kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dựa trên tiêu chí dân số và điều kiện kinh tế - xã hội. Tiến hành sửa đổi một số mức chi đảm bảo cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như tương xứng với công sức của đội ngũ những người thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm động viên, khích lệ, thu hút đội ngũ này tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Có chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động đông đảo lực lượng xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quy định chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tương xứng với công sức của họ bỏ ra để khuyến khích thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương.
Năm là, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn giáo dục công dân, giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học pháp luật; tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khoá; quan tâm kiện toàn, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giảng dạy môn giáo dục công dân.
Sáu là, chú trọng xây dựng rộng rãi, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở. Quan tâm đến các thành phần là người dân tộc thiểu số, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Định kỳ rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn đội ngũ này trên tinh thần mọi ngành, mọi cơ quan đơn vị, mọi tổ chức, mọi khu vực, mọi địa bàn dân cư đều có báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động. Định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này. Huy động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trong dòng họ tham gia công tác phổ biến pháp luật.
Bảy là, đầu tư kinh phí, xây dựng các chương trình, dự án phục vụ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Cần quan tâm đến các điều kiện bảo đảm khi xây dựng, ban hành các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật. Quy định rõ trách nhiệm khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện, trong đó chú trọng đến việc xác định vai trò của người lãnh đạo.
Tám là, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Tích cực vận động nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn tham gia vào các hoạt động phòng chống vi phạm pháp luật. Quy trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà có hành vi thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Chín là, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng tiêu chí, đối tượng, chỉ tiêu cụ thể để xét khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thành một tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành công việc để xếp loại công chức, cơ quan, đơn vị hàng năm./.
Lê Anh Hưng
Các tin đã đưa ngày: