Liên kết website

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

29/06/2022

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 501/CĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2022 về việc đôn đốc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện nay có 03 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nhiệm vụ:
- Đối với các cơ quan chủ quản chương trình: Lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; Ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để đảm bảo đầy đủ cơ sở cho tổ chức thực hiện, giải ngân nguồn vốn của các chương trình sau khi được giao vốn; Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng cơ bản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

- Đối với các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ các đề án, chương trình chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Hoàn thành việc ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện từng chương trình, dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 01 tháng 7 năm 2022…

Tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Tư pháp chủ trì hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung 03 về tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho dùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó xác định mục tiêu là bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật; đối tượng hướng tới là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan.

Tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung 04 về tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn và nội dung 05 về nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Để triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện, ban hành một số văn bản nhằm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng dẫn thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Nguyễn Thị Thạo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: