1. Tiêu chuẩn hòa giải viên (Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở)
Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
2. Các bước tiến hành
Địa điểm thực hiện: Ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (gọi là khu dân cư)
Tổ bầu hòa giải viên gồm:
- Trưởng ban công tác Mặt trận là Tổ trưởng tổ bầu hòa giải viên.
- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là Phó Tổ trưởng tổ bầu hòa giải viên
- Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận (như đại diện của Chi ủy, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên cộng sản HCM…) là thành viên tổ bầu hòa giải viên
Bước 1: Lập danh sách bầu hòa giải viên
Danh sách bầu hòa giải viên gồm những người sau:
- Người tự ứng cử
- Người được giới thiệu
Ban công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu người vào danh sách bầu hòa giải viên. Việc đưa người được giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên chi thực hiện sau khi đã trao đổi, động viên và nhận được sự đồng ý của những người được giới thiệu.
Bước 2: Quyết định thời gian và hình thức bầu hòa giải viên
Việc tổ chức bầu hòa giải viên bằng một trong hình thức sau đây
- Tổ chức cuộc họp đại điện các hộ gia đình để bầu hòa giải viên
- Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình
Bước 3: Thông báo công khai danh sách bầu hòa giải viên
Trong thời hạn 07 ngày, trước ngày bầu hòa giải viên, Danh sách bầu hòa giải viên được thông báo công khai tại thôn, tổ dân phố.
Bước 4: Tổ chức bầu hòa giải viên
4.1. Tổ chức cuộc họp đại điện các hộ gia đình để bầu hòa giải viên
Đối với hình thức tổ chức cuộc họp đại điện các hộ gia đình để bầu hòa giải viên chỉ tiến hành khi có trên 50% đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố trở lên tham dự.
Thủ tục bầu hòa giải viên thực hiện như sau
- Đại diện Tổ bầu hòa giải viên giới thiệu danh sách Tổ bầu hòa giải viên;
- Đại diện Tổ bầu hòa giải viên đọc tiêu chuẩn hòa giải viên (đọc Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở)
- Đại diện Tổ bầu hòa giải viên đọc danh sách bầu hòa giải viên
- Đại diện Tổ bầu hòa giải viên lấy ý kiến và thống nhất hình thức bầu hòa giải viên bằng biểu quyết công khai hay bỏ phiếu kín.
- Đối với hình thức biểu quyết công khai (giơ tay biểu quyết): Tổ bầu hòa giải viên trực tiếp đếm số người biểu quyết và lập biên bản về kết quả biểu quyết (theo mẫu 01)
- Đối với hình thức bỏ phiếu kín: Tổ bầu hòa giải viên phát phiếu, phổ biến quy chế bỏ phiếu, thu nhận phiếu và kiểm phiếu ngay sau khi kết thúc việc bỏ phiếu với sự có mặt chứng kiến của ít nhất 01 đại diện hộ gia đình không có thành viên trong danh sách bầu hòa giải viên; lập biên bản kiểm phiếu (theo mẫu 02).
4.2. Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình
Tổ bầu hòa giải viên phát phiếu bầu đến các hộ gia đình, thu nhận lại phiếu bầu và kiểm phiếu với sự có mặt chứng kiến của ít nhất 01 đại diện hộ gia đình không có thành viên trong danh sách bầu hòa giải viên, lập biên bản kiểm phiếu (theo mẫu 03).
Bước 5: Lập và gửi danh sách đề nghị công nhận hòa giải viên
- Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gồm những người có kết quả bầu hòa giải viên đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý.
Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách những người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp, trong đó bao gồm những người có số phiếu bằng nhau.
- Gửi danh sách đề nghị công nhận hòa giải viên cho Chủ tịch UBND cấp xã
Trưởng ban công tác Mặt trận gửi cho Chủ tịch UBND cấp xã những giấy tờ sau:
+ Danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên (theo mẫu 06)
+ Một trong ba biên bản sau
- Biên bản kết quả biểu quyết (đối với trường hợp biểu quyết công khai, mẫu 01)
- Biên bản kiểm phiếu (đối với trường hợp bỏ phiếu kín, mẫu 02)
- Biên bản kiểm phiếu (đối với trường hợp phát phiếu lấy ý kiến, mẫu 03).
Bước 6: Ra quyết định công nhận hòa giải viên
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị công nhận hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định.
Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.