Liên kết website

Kết quả 03 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

13/02/2017

Luật hòa giải ở cơ sở (HGOCS) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Kể từ ngày Luật được công bố, với sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả như sau:

Trong 03 năm qua (2014 – 2016), trên toàn tỉnh đã tổ chức được gần 986 buổi tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ về Luật HGOCS và các văn bản hướng dẫn thi hành với gần 84.000 lượt người tham dự; Sở Tư pháp và 18 Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố đã in và cấp phát hơn 15.000 tờ gấp về HGOCS; Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn đã phát thanh được gần 5.000 lượt, thời lượng từ 05 đến 15 phút, về những nội dung trong Chương trình phát thanh chuyên đề “Pháp luật về hòa giải ở cơ sở” do Bộ Tư pháp ban hành, đến người dân tại địa bàn cơ sở.
Riêng về hình thức tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi, ở Quảng Nam trong những năm qua, ở cấp xã thường xuyên tổ chức, thu hút được nhiều người dân thuộc nhiều tổ chức đoàn thể tham gia theo tinh thần xã hội hóa, làm cho các quy định của pháp luật về HGOCS đến với người dân dễ dàng hơn.
Sau khi được củng cố, kiện toàn, đến nay toàn tỉnh có 1.718 tổ hòa giải với 10.819 hòa giải viên. Nhìn chung, đội ngũ hòa giải viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về khả năng am hiểu kiến thức pháp luật và có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc hòa giải phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Nhằm giúp hòa giải viên ghi chép Sổ theo dõi hoạt động HGOCS được thống nhất, trong năm 2014, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho Sở Tư pháp thực hiện việc in 2.000 Sổ theo dõi hoạt động HGOCS để cấp phát cho các tổ hòa giải, theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, để tiếp tục tạo điều kiện giúp cho đội ngũ những người làm công tác HGOCS trong việc tra cứu và áp dụng các quy định của pháp luật về HGOCS, Sở Tư pháp đã tiến hành biên soạn và tập hợp tài liệu để in 2.000 cuốn “Sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở”, gửi đến Phòng Tư pháp, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ hòa giải do Tổ trưởng trực tiếp quản lý và tổ chức triển khai phổ biến cho các hòa giải viên cùng nắm bắt để thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thực pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; Sở Tư pháp đã tổ chức 04 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới (mỗi lớp 5 ngày) cho 520 học viên là lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác HGOCS của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban MTTQVN cấp xã, Công chức Tư pháp – Hộ tịch các xã phường, thị trấn. Đây là các lớp dành cho tập huấn viên nguồn để đưa pháp luật HGOCS đến với từng hòa giải viên.
Ngoài ra, trong 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển đất nước năm 2014 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 -2016”, Sở Tư pháp đã tổ chức 18 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật mới cho 1.800 đại biểu là các hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn này, Sở Tư pháp đã cấp phát gần 17.600 tờ gấp thuộc 16 lĩnh vực pháp luật khác nhau cho các học viên.
Từ năm 2014 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn huyện như huyện Phú Ninh (2015), Quế Sơn (2015), Duy Xuyên (2016)... Đặc biệt, trong năm 2016, hưởng ứng tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ  III do Bộ Tư pháp tổ chức, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những hòa giải viên giỏi tiêu biểu để thành lập đội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Quảng Nam để tham gia dự thi vòng sơ khảo tại khu vực Miền trung – Tây nguyên do Bộ Tư pháp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng trong 02 ngày 29 và 30/9/2016. Kết quả đội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh đã đạt giải Ba khu vực và giải Phụ cho đội thi có màn chào hỏi ấn tượng nhất.
Theo thống kê, trong 03 năm qua, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong toàn tỉnh là: 8.034 vụ, trong đó số vụ hòa giải thành là 6.815 vụ, đạt tỷ lệ 85%. Các vụ việc hòa giải chủ yếu vẫn là những tranh chấp về dân sự, liên quan đến đất đai, tranh chấp về lối đi, hôn nhân và gia đình, môi trường, con vật nuôi, cây cối... cụ thể như sau: Năm 2014, tổng số vụ việc tiếp nhận hoà giải là 2.946 vụ, trong đó số vụ hòa giải thành là 2.462, chiếm gần 84%, số vụ việc đang giải quyết là 121 vụ. Năm 2015, tổng số vụ việc tiếp nhận hoà giải là 2.990 vụ trong đó số vụ hòa giải thành là 2.568 vụ đạt tỷ lệ 86%. Năm 2016, tổng số vụ việc tiếp nhận hoà giải là 2.094 vụ trong đó số vụ hòa giải thành là 1.785 vụ đạt tỷ lệ  85%, số vụ việc đang giải quyết là 77 vụ.
Về hỗ trợ kinh phí cho công tác HGOCS theo Điều 6 của Luật HGOCS, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 169/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh. Ngày 29/7/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2644/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị Quyết số 169/2015/NQ-HĐND. Qua 02 năm triển khai thực hiện, kinh phí cấp cho công tác HGOCS trên toàn tỉnh là gần 1 tỷ. Có thể nói, tỉnh Quảng Nam đã có sự quan tâm, ban hành kịp thời Nghị quyết của HĐND tỉnh, là cơ sở pháp lý cho việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác HGOCS trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung công tác HGOCS trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp cùng cấp đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp dưới thực hiện việc lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác HGOCS với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác HGOCS thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về HGOCS.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác HGOCS nên thiếu sự quan tâm lãnh chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác HGOCS, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải. Tổ chức MTTQ cấp huyện, cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn cho rằng công tác HGOCS là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp dẫn đến sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với MTTQ và các đoàn thể liên quan trong công tác HGOCS đôi lúc chưa thật sự hiệu quả. Việc trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho hòa giải viên để thực hiện nhiệm vụ, chủ yếu mới đến Tổ trưởng tổ hòa giải, còn nhiều hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Vấn đề bố trí kinh phí cho công tác HGOCS còn gặp nhiều trở ngại, chưa được lãnh đạo cấp huyện và xã quan tâm đúng mức.
Trong thời gian tới, để quản lý nhà nước về công tác HGOCS có hiệu quả, đúng thực chất, các địa phương cần có biện pháp theo dõi chặt chẽ việc quản lý và ghi chép vào Sổ theo dõi hoạt động HGOCS, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước về công tác HGOCS và chi thù lao cho các hòa giải viên khi tham gia hoạt động hòa giải. Ngoài ra, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ được ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HGOCS, về nội dung quy định chi tiết phạm vi hòa giải có dẫn chiếu đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, vì vậy, đề nghị sớm sửa đổi một số nội dung liên quan của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP để đảm việc xác định phạm vi hòa giải theo đúng tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015./.
Minh Tâm
 
 
Các tin đã đưa ngày: