Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Hội Luật gia, Nhóm nghiên cứu Đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình”, một số phòng nghiệp vụ Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hoạt động hòa giải ở cơ sở về bản chất là hướng dẫn, giúp đỡ thông qua việc thuyết phục, vận động các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vì vậy hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và 02 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên đại bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định; hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.470 tổ hoà giải với trên 9.072 tổ viên; trong giai đoạn 2010-2014, tổng số vụ việc hòa giải là 14.132 vụ việc trong đó, hòa giải thành là 12.170 vụ, đạt tỷ lệ 86%. Kết quả thực hiện công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội địa phương.
Tại Hội thảo đã nghe 08 tham luận từ các đại biểu tham dự, trong đó có những tham luận phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về bức tranh toàn cảnh của công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư, Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở như việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong công tác hòa giải thời gian qua chưa được thực hiện thường xuyên, Hòa giải viên chủ yếu làm việc kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, vì vậy việc khen thưởng đối với những người làm tốt công tác này là rất cần thiết để động viên, khích lệ kịp thời. Một vấn đề mà các đại biểu đưa ra, đặc biệt được quan tâm là kinh phí đối với công tác hòa giải ở cơ sở và việc thực hiện các chế độ đối với hòa giải viên.
Đây là hoạt động để Sở Tư pháp và Nhóm nghiên cứu Đề tài nắm bắt những thông tin đa chiều về công tác hòa giải ở cơ sở, đây là cơ sở để hoàn thiện Đề tài cũng là cơ sở để kiến nghị với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Măn trận tổ quốc Việt Nam, UBND tỉnh và các ngành có liên quan, từ đó hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc xây dựng và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước; các chế độ, chính sách về xây dựng, thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở….
Đoàn Hòa