Liên kết website

Đã có cơ chế bảo đảm thi hành kết quả hòa giải thành ở cơ sở

10/05/2017

Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, tại Chương XXXIII của Bộ luật này quy định “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”. Theo đó, Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định công nhận của Tòa án, các bên phải tự nguyện thi hành thỏa thuận của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án; hết thời gian này, bên phải thực hiện nghĩa vụ có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện, bên có quyền được nộp đơn yêu cầu thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Để hướng dẫn cho các bên tham gia hòa giải thành ở cơ sở thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (nâng cao hiệu lực của thỏa thuận hòa giải thành ở cơ sở), ngày 05/5/2017, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1503/BTP-PBGDPL hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
Theo đó, để được Tòa án nhân dân ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Vụ, việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý;
- Có văn bản hòa giải thành. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba;
- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
Thời hạn gửi đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là 06 tháng, kể từ ngày lập văn bản hòa giải thành. Cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.
Trình tự, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở như sau:
- Thủ tục nhận đơn và xử lý đơn yêu cầu: Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn yêu cầu do người yêu cầu nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người yêu cầu. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người yêu cầu.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu người yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Nếu hết thời hạn trên mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.
Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Lưu ý: Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự (mức lệ phí là 300.000 đồng quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí Tòa án thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14).
- Trả lại đơn yêu cầu: Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:
+ Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
+ Sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
+ Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
+ Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định;
+ Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
+ Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
+ Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Thông báo thụ lý đơn yêu cầu: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
- Chuẩn bị xét đơn yêu cầu: Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.
- Phiên họp xét đơn yêu cầu, thủ tục tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu
+ Những người tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu: (1) Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp; (2) Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án (người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Người yêu cầu vắng mặt lần thứ hai thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự); (3) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.
+ Trình tự tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự:
→ Thư ký phiên họp báo cáo Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp;
→ Thẩm phán chủ tọa phiên họp khai mạc phiên họp, kiểm tra về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên họp và căn cước của họ, giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp;
→ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
→ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết việc dân sự;
→ Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định, giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn (nếu có);
→ Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự xem xét tài liệu, chứng cứ;
→ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự và gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự ngay sau khi kết thúc phiên họp;
→ Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự.
- Hiệu lực của Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án:
+ Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
+ Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
+ Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
Việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu.
Ban hành kèm theo Công văn số 1503/BTP-PBGDPL là mẫu đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở và mẫu Biên bản hòa giải thành ở cơ sở.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: