Liên kết website

Hun đúc, tạo dựng giá trị xã hội của người làm công tác pháp luật

11/09/2020

Ngày 11/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động hướng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam của Bộ, ngành Tư pháp với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc.

Lan tỏa tinh thần Ngày Pháp luật
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, theo quy định của Luật PBGDPL, ngày 9/11 cách đây 7 năm được chính thức công bố là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

“Ngày Pháp luật mang tính đại diện và lan tỏa, hướng tới tôn vinh các giá trị của ngành, nghề tư pháp và pháp luật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời góp phần tạo dựng niềm tin của xã hội đối với công tác pháp luật và người làm công tác pháp luật”, Thứ trưởng nhấn mạnh
7 năm qua, Bộ Tư pháp đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc và của Bộ, ngành Tư pháp với nhiều điểm nhấn nổi bật, quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động hưởng ứng có nơi, có lúc còn chưa có chiều sâu, chưa phát huy được hết mục đích, ý nghĩa lan tỏa của Ngày pháp luật.

Vì vậy, Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, đánh giá kết quả triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời xác định cách thức, phương hướng tổ chức triển khai Ngày Pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu ứng, tầm ảnh hưởng sâu rộng, phát huy giá trị thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến toàn thể Nhân dân.

Theo đó, việc triển khai Ngày Pháp luật năm nay cần bám sát và cụ thể hóa theo nội dung, tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất các hoạt động hưởng ứng để tạo khí thế sôi nổi; các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, các luật sư, luật gia, doanh nghiệp… cần phát huy trách nhiệm xã hội để vào cuộc tham gia với tâm thế chủ động cùng các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Kịp thời nhân rộng các mô hình hay
Báo cáo tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên đã khái quát về sự ra đời của Ngày Pháp luật đồng thời đánh giá việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua. Về định hướng thời gian tới, Lãnh đạo Vụ cho rằng cần tiếp tục quán triệt, phổ biến, truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật. Đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW; xây dựng các mô hình hưởng ứng hướng tới nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Đánh giá việc lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội đối với tất cả các cấp, các ngành, toàn xã hội và nhân dân, ông Nguyễn Văn Toàn, Chánh Văn phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục duy trì và phát huy thành tích đã đạt được. Theo đó, Bộ Tư pháp cần tổng kết những việc làm và cách làm tốt để kịp thời nhân rộng, qua đó để việc hưởng ứng kỷ niệm Ngày Pháp luật là ngày hội của toàn dân trong việc thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nhận định tinh thần của Ngày Pháp luật đã đi vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tới toàn xã hội, đặc biệt trong các cơ quan tư pháp, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp cho rằng thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng PBGDPL các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng PBGDPL Trung ương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, tổ chức pháp chế; tăng cường sự phối hợp; quan tâm hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, các địa phương trong triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật; đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sức lan tỏa…

Liên quan tới công tác truyền thông, bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nội chính, Báo Pháp luật Việt Nam cho biết năm 2020 là năm thứ 8 Báo PLVN thực hiện truyền thông về Ngày Pháp luật theo tinh thần Luật PBGDPL, việc làm tốt vai trò truyền thông tư pháp, pháp luật là nhiệm vụ luôn được tờ báo đặt lên hàng đầu. Để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này, Báo PLVN mong muốn Bộ tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi cho Báo trong tuyên truyền về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Báo trong truyền thông về Ngày Pháp luật. Bộ Tư pháp tiếp tục huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí cùng vào cuộc tuyên truyền không chỉ trong Ngày Pháp luật mà trong công tác pháp luật nói chung, các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành tư pháp, các lĩnh vực liên quan thiết thực đến người dân.
Theo đại diện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hiện nay có khoảng hơn 2.700 công chứng viên và hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước. Tuy nhiên lại chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên đối với công tác PBGDPL. Với đặc thù của công chứng viên là thường xuyên tiếp xúc với người dân, đại diện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đề xuất bổ sung quyền và nghĩa vụ công chứng viên đối với công tác PBGDPL để góp phần giúp người dân thêm hiểu biết và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu Vụ PBGDPL nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, kịp thời xây dựng kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật trình Lãnh đạo Bộ ban hành; tiếp tục tham mưu về công tác hướng dẫn các hoạt động hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày 9/11 chính thức được công nhận là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục làm tốt công tác vận động, huy động sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan, đơn vị, trước hết là của Bộ, ngành Tư pháp trong việc hưởng ứng triển khai Ngày Pháp luật theo hướng đổi mới, có điểm nhấn, có sự tôn vinh, có chiều sâu, toàn diện, rộng khắp. Ngoài ra, cũng cần quan tâm mở rộng hướng tới đội ngũ luật sư, luật gia, công chứng cùng các chức danh tư pháp khác.

"Bộ Tư pháp mong đợi việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chính là sự hun đúc, tạo dựng giá trị xã hội của người làm công tác tư pháp, pháp luật, có như vậy mới tạo được chiều sâu, sự lan tỏa", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị hàng năm, Vụ PBGDPL chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật tham mưu Lãnh đạo Bộ để xây dựng được sự kiện nổi bật của Bộ, ngành Tư pháp, tạo được dấu ấn, tiếng vang nhân dịp Ngày Pháp luật.      Theo đó, Thứ trưởng cũng nêu lên một vài gợi mở như: Bộ, ngành Tư pháp phối hợp với giới luật gia, luật sư đồng loạt tổ chức các hoạt động hướng tới hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các trường phổ thông, trao đổi với các em học sinh câu chuyện pháp luật, tình huống pháp lý, trò chơi pháp luật, tấm gương thượng tôn pháp luật… Cùng với đó, gắn với công tác truyền thống sẽ tạo được hiệu ứng xã hội có tính lâu dài.

Hàng năm, Bộ Tư pháp cần chủ trì, phối hợp với các tổ chức như Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội công chứng Việt Nam… để tổ chức các sự kiện chung nhằm tôn vinh, tri ân các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác pháp luật. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, gắn với việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ Tư pháp cùng cần tiếp tục làm tốt việc hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đoàn thể trong lĩnh vực pháp luật tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để tạo lan tỏa chung; hướng dẫn thống nhất trong cả nước về chủ đề Ngày Pháp luật hàng năm…
Bảo Ngọc
Các tin đã đưa ngày: