Liên kết website

Cuộc thi trực tuyến "Pháp luật với mọi người": KẾT THÚC VỚI HƠN 856.000 LƯỢT DỰ THI

21/11/2020

Ngày 20/10/2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người” nhằm cổ vũ tinh thần chủ động tìm hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân; đồng thời đây cũng là sự kiện lớn trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020.

Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người” diễn ra từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/11/2020 với những câu hỏi liên quan đến các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Với mục đích đổi mới công tác giáo dục pháp luật và tạo điều kiện giúp các thí sinh có được thành tích tốt nhất, Cuộc thi năm nay được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến (không hạn chế số lượt dự thi của thí sinh) với cơ cấu giải thưởng phong phú như: 01 Giải nhất, 03 Giải nhì, 05 giải ba và 10 Giải Khuyến khích.

Ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Đặc biệt, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tích cực vận động các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tham gia Cuộc thi như: Hà Nội, Bắc Giang, Hà Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Yên Bái....

Một số Cổng thông tin của các Bộ, ngành và nhiều trang báo điện tử lớn cũng đã đồng hành cùng Ban Tổ chức trong công tác truyền thông mạnh mẽ thông tin về Cuộc thi đến người dân như: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Hà Nội mới, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, Báo Đại biểu Nhân dân, Báo Dân trí, Báo Gia đình Việt Nam, Báo Pháp luật & xã hội…

Trong thời gian diễn ra Cuộc thi, Ban Tổ chức đã theo dõi và chứng kiến sự cạnh tranh sôi nổi về điểm số giữa các thí sinh. Sự quan tâm của một số địa phương về công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tham gia cũng được thể hiện rất rõ thông qua số lượt người tham gia dự thi của từng tỉnh/thành phố.

Ban Tổ chức nhận thấy bài dự thi năm nay của các thí sinh có chất lượng cao và được phân bố tương đối đồng đều giữa các tỉnh/thành phố có thí sinh tham dự. Số lượng thí sinh trả lời chính xác 19 câu hỏi trắc nghiệm theo đúng đáp án của Ban Tổ chức chiếm một tỉ lệ hết sức ấn tượng.

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã ghi nhận 856.459 lượt người tham gia; trong đó có 127.940 lượt người dự thi trả lời đúng 19 câu (chiếm tỷ lệ 14,94%); 104.037 lượt người dự thi trả lời đúng 18 câu (chiếm tỷ lệ 12,15 %); 115.307 lượt người dự thi trả lời đúng 17 câu (chiếm tỷ lệ 13,46%); có 58.137 lượt người dự thi không có câu trả lời đúng chiếm tỷ lệ (6,79%). Hàng ngày, Bộ phận hỗ trợ của Ban Tổ chức cũng liên tục nhận được điện thoại yêu cầu hỗ trợ của các thí sinh tham gia dự của Cuộc thi (trung bình từ 5- 10 cuộc/ngày).

Kết thúc Cuộc thi, Tổ thư ký giúp việc Ban Tổ chức đã rà soát, đánh giá và lập danh sách 19 thí sinh tham gia dự thi có kết quả cao nhất, bao gồm: 01 Giải nhất, 03 Giải nhì, 05 giải ba và 10 Giải Khuyến khích.

So với tổng số lượt người tham gia dự thi của cả 4 đợt thi của năm 2019 (đợt 01: 15.083 lượt, đợt 02: 14616 lượt, đợt 03: 32414 lượt, đợt 04: 64577 lượt; với tổng: 126.690 lượt) thì Cuộc thi năm nay tăng 729.769 lượt (gấp 6,76 lần). Điều đó cho thấy Cuộc thi ngày càng thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Cuộc thi cũng đã nhận được sự hưởng ứng của 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương có số lượt người tham gia đông đảo như: Bắc Giang (242.287 lượt), Nghệ An (150.324 lượt), Hà Nội (102.393 lượt), Vĩnh Phúc (44.043 lượt), Hà Giang (29.096 lượt); Hà Tĩnh (19.065 lượt), Cần Thơ (16.697 lượt), Yên Bái (16.478 lượt), Đồng Nai (14.702 lượt); Nam Định (13.632 lượt).

Trên cơ sở rà soát, xác minh, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định số 2640/QĐ-BTC ngày 31/12/2020 công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người” cho 19 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất (01 Giải Nhất: 6.000.000 đồng, 03 Giải Nhì: 3.000.000 đồng/giải, 05 Giải Ba: 2.000.000 đồng/giải, 10 Giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải). Tổng giá trị giải thưởng tiền mặt là 35.000.000.

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đây là cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trong học đường có số lượng lượt thí sinh tham gia dự thi lớn nhất với số lượng trên 856.000 lượt thi. Cuộc thi năm nay được đánh giá là cuộc thi ứng dụng trực tuyến với giao diện khoa học, dễ sử dựng; bộ câu hỏi thi có nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp với đa số người dân. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay Cuộc thi thực sự đã trở thành sân chơi tìm hiểu pháp luật trực tuyến bổ ích, giúp nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật, từ đó hình thành thói quen trong tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hướng tới xây dựng văn hóa trong tuân thủ pháp luật. Thông qua các đợt tổ chức, người dân đã bước đầu hình thành thói quen tự giác, quan tâm và chủ động tìm hiểu pháp luật khi tham gia Cuộc thi.

Cách thiết kế, xây dựng bộ câu hỏi-đáp án của Cuộc thi năm nay có hình thức và nội dung phù hợp với đa số người dân. Trên cơ sở số liệu kết quả thu được đã cho thấy, thí sinh tham gia Cuộc thi năm nay đã nhận thức đúng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thể hiện thái độ nghiêm túc với mong muốn tìm hiểu kiến thức pháp luật phục vụ cuộc sống khi tham gia. Với chủ trương tạo tâm lý tích cực và khuyến khích các thí sinh tham gia, phần mềm Cuộc thi năm nay đã được thiết kế, chỉnh sửa lại để không bị hạn chế số lượt tham gia như các năm trước (các năm trước mỗi thí sinh chỉ được thi 3 lượt/người) đây là một trong những yếu tố giúp Cuộc thi năm nay nhận được sự đón nận của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và đạt được kết quả hết sức ấn tượng.

Cơ cấu và mức giải thưởng Cuộc thi năm nay cũng phong phú hơn (gồm 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba, 10 giải Khuyến khích) so với các năm trước (gồm 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 05 giải Khuyến khích). Điều này đã tạo sự hấp dẫn, khích lệ tinh thần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và thu hút đông đảo thí sinh tham gia Cuộc thi.

Có thể nói, Cuộc thi là một trong những hình thức quan trọng được thực hiện trong lộ trình từng bước tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến online với thời gian thi và phương tiện sử dụng linh hoạt (máy tính kết nối mạng internet, điện thoại thông minh) đã tạo thuận tiện cho thí sinh tham gia, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh và sự phát triển của công nghệ thông tin.

Qua đó cho thấy, công tác tổ chức, truyền thông giới thiệu rộng rãi về Cuộc thi năm nay được thực hiện tốt, đồng thời phần nào phản ánh tinh thần chủ động, tự giác tìm hiểu pháp luật và sự tích cực hưởng ứng Cuộc thi của người dân.

Đây là tín hiệu đáng mừng đánh giá sự quan tâm và ý thức chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân trên cả nước.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: