Cuộc họp do đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Pháp chế, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên); đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), và đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, các bên đã đánh giá thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các kết quả đạt được và nhìn nhận tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Nhìn chung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú phù hợp, kiến thức pháp luật và nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên đã được nâng lên. Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai như: rà soát, hoàn thiện nội dung pháp luật trong chương trình học, sách giáo khoa, giáo trình; tổ chức bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật, môn Giáo dục công dân là một trong những môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; thi giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân, môn kinh tế pháp luật trong các Hội thi giáo viên giỏi các cấp; nhiều hoạt động ngoại khóa tìm hiểu pháp luật và phổ biến kiến thức pháp luật được tổ chức cho học sinh, sinh viên (tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động trải nghiệm, kết hợp trong giờ chào cờ đầu tuần...).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như biên chế giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn pháp luật còn thiếu; việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp, kiểm tra về phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ… Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên chưa đầy đủ; một số địa phương, nhà trường còn xem nhẹ công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường (còn bố trí giáo viên dạy môn học khác sang dạy Giáo dục công dân, pháp luật…); nguồn lực và kinh phí dành cho công tác này còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế,…
Từ việc nhìn nhận các tồn tại, khó khăn như trên, các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham dự cuộc họp đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tiếp theo. Theo đó, cần đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, bố trí đủ biên chế giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật; thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn học này; phối hợp tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; biên soạn và phát hành các sách tranh, truyện tranh về pháp luật...
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BTP-BGDĐT để đánh giá cụ thể việc thi hành Thông tư, từ đó đề ra những nhiệm vụ phối hợp trong giai đoạn tiếp theo./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật