Liên kết website

Sẽ thống nhất hướng dẫn tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở

01/12/2021

Chiều 1/12, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm “Khung mô hình hiệu quả cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở”.

Tham dự tọa đàm có Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Sáu; Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên và Phó Trưởng phòng Tư pháp TP Hòa Bình (Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Trung Thành.

Thống nhất quy trình, cách làm trên phạm vi cả nước
Chia sẻ một số kết quả nổi bật của công tác PBGDPL năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Sáu cũng cho biết, công tác PBGDPL trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều mô hình PBGDPL linh hoạt, hiệu quả. Cụ thể, tổ chức hội nghị tập huấn tại cơ sở mà thời gian tới đây sẽ áp dụng khung mô hình PBGDPL. “Đây là hình thức áp dụng phù hợp và có hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật tại cơ sở”, ông Sáu nhận định.

Đồng thời, Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động các loại hình câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh như: “Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”; “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ với pháp luật”; “Thanh niên với pháp luật”…

Hay việc tổ chức mô hình PBGDPL đêm giao lưu truyền thông cho các xã cùng trong một huyện, tổ chức theo cụm không quá 6 xã/cụm, đã thu hút được sự quan tâm đông đảo Nhân dân, là một mô hình hay, sáng tạo phù hợp để nhân rộng trên nhiều địa bàn của cả nước.
Đến từ tư pháp cấp cơ sở, Phó Trưởng phòng Tư pháp TP Hòa Bình Nguyễn Trung Thành nhìn nhận thời gian qua có nhiều mô hình PBGDPL do Bộ Tư pháp khởi xướng hoặc do địa phương tự triển khai căn cứ vào thực tiễn tại địa bàn mình. Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này chưa được kiểm chứng về lâu dài, chưa có hướng dẫn cụ thể để đánh giá thành công.

Vì vậy, khi TP Hòa Bình được chọn là 1 trong 2 địa bàn cơ sở tập huấn Khung mô hình, các thành viên đều cảm thấy rất phấn khởi trước sự quan tâm của Bộ Tư pháp để thực hiện được Khung mô hình một cách thống nhất tại tỉnh Hòa Bình cũng như cả nước.

Từ những chia sẻ thực tế trên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDP Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Khung mô hình PBGDPL ở cấp cơ sở là để thống nhất quy trình, cách làm trong phạm vi cả nước. Với sự phát triển đa dạng của các mô hình PBGDPL hiện nay thì Khung mô hình này sẽ bảo đảm cho địa phương, cơ sở tham mưu triển khai một cách thống nhất từ việc xác định đối tượng, hình thức, nội dung PBGDPL đến kinh phí, con người tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL.

Công việc lâu dài trong hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL
 
Qua việc được tập huấn thí điểm Khung mô hình tại địa bàn tỉnh, ông Sáu phân tích một số thuận lợi, khó khăn trong triển khai Khung mô hình và từ đó kiến nghị cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL; đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL, nhất là mở rộng nhà văn hóa thôn, xóm và mua trang thiết bị như màn hình chiếu, loa và hệ thống âm thanh.

Theo ông Sáu, trước mắt, khi chưa xây dựng hoặc cải tạo được nhà văn hóa xã xóm, thôn thì có thể tận dụng cơ sở vật chất của các Trung tâm học tập cộng đồng.

Ông Nguyên phân tích các yếu tố thành phần của Khung mô hình như phải xác định rõ mục đích, yêu cầu của công tác PBGDPL; xác định đối tượng cụ thể như ở địa bàn tỉnh Hòa Bình thì đối tượng tiềm năng là đồng bào dân tộc thiểu số vì từ đối tượng mới xác định được cách làm; xác định nội dung PBGDPL; xác định hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp; xác định chủ thể tổ chức công tác PBGDPL; xác định nguồn lực (kinh phí, cơ sở vật chất, con người); đánh giá hiệu quả, sơ kết, tổng kết, kiểm tra công tác PBGDPL.
Định hướng là Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân (qua phiếu khảo sát hoặc qua nắm bắt thực tiễn của người dân ở cơ sở); thực trạng xã hội (như vừa qua đã hướng dẫn tập trung phổ biến các quy định pháp luật về phòng chống Covid và các bệnh truyền nhiễm)…

Để triển khai nhiệm vụ xây dựng Khung mô hình tới đây, ông Nguyên cho hay, trên cơ sở tập huấn cho Hòa Bình và Đồng Tháp vừa qua, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện Khung mô hình và có văn bản hướng dẫn nhân rộng trong phạm vi cả nước. Tinh thần là Khung mô hình không chỉ áp dụng cho cấp xã mà cho cả cấp huyện, cấp tỉnh, các cơ quan đơn vị khác cũng có thể nghiên cứu học tập, triển khai thực hiện cho phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cũng đang tham vấn, nghiên cứu hướng dẫn mô hình cụ thể đối với từng hình thức PBGDPL ở địa phương như mô hình câu lạc bộ thì cần quy trình, cách làm như thế nào. Ông Nguyên đặc biệt nhấn mạnh, đây là công việc mới, lâu dài trong hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL và đưa việc xây dựng Khung mô hình thành nhiệm vụ hướng dẫn quan trọng cho các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 
Các tin đã đưa ngày: