Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị đại diện cơ quan Ủy ban kiểm tra nêu rõ kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tại Trung ương Hội Nông dân thời gian qua. Căn cứ kết quả đạt được, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó tham mưu Lãnh đạo là thành viên Hội đồng những giải pháp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ, xuất sắc nhiệm vụ của thành viên Hội đồng đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc chuẩn bị tốt các nội dung nêu trên nhằm phục vụ buổi làm việc chuyên đề giữa Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương với thành viên của Hội đồng là Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự kiến vào tháng 7 tới đây.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, trình bày khái quát kết quả triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, Trung ương Hội không thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và có đồng chí Phó Chủ tịch tham gia thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật giao Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra là đơn vị đầu mối thực hiện. Từ năm 2017 đến năm 2022, Trung ương Hội phối hợp Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra... tổ chức được trên 100 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, nghiệp vụ hòa giải, nghiệp vụ giám sát xã hội cho hơn 10.000 cán bộ Hội cơ sở, thành viên các tổ hoà giải và cộng tác viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Trung ương Hội phối hợp biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến pháp luật trên 25.000 cuốn “Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân” (mỗi năm một cuốn); trên 150.000 tờ gấp tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân; thực hiện trên 2.500 tin, bài phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng... Thực hiện chuyên mục Tư vấn pháp luật và “Đường dây nóng” trên Cổng thông tin điện tử của Hội để giải đáp câu hỏi của hội viên, nông dân về những chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông dân.v.v... Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua vẫn tồn tại một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như đối tượng là nông dân, lực lượng đông đảo và đa dạng, trình độ dân trí khác nhau. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại nhiều nơi không thuận lợi nên việc đưa pháp luật đến với nông dân gặp nhiều khó khăn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa thường xuyên, liên tục; các cấp Hội, đặc biệt là cấp cơ sở ở một số địa phương chưa được tạo điều kiện cần thiết, thuận lợi về điều kiện tiếp cận thông tin; trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của cán bộ Hội, hội viên, nông dân còn hạn chế. Đặc biệt, kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm còn hạn chế...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm trong triển khai các lĩnh vực, nhiệm vụ, chức năng của mình, nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đến công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác giám sát và phản biện xã hội, hòa giải ở cơ sở, kiểm tra và giải quyết đơn thư trong hệ thống tổ chức Hội các cấp, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng chí Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đã ghi nhận kết quả đạt được của Trung ương Hội Nông dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua; mong muốn Trung ương Hội nông dân phát huy hơn nữa vai trò của thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Đặc biệt, Cơ quan Ủy ban kiểm tra cần phát huy vai trò, trách nhiệm hơn nữa với vị trí là đơn vị được giao đầu mối tham mưu Lãnh đạo Hội là thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn hoặc trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý; chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành, lĩnh vực phụ trách; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập phát sinh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Để tổ chức cuộc làm việc chuyên đề giữa Thường trực Hội đồng phối hợp và thành viên Hội đồng là Lãnh đạo Trung ương Hội đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trúng vấn đề, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cơ quan Ủy ban kiểm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện dự thảo Báo cáo theo hướng bổ sung, làm rõ nét hơn nữa kết quả đạt được của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, kết quả hoạt động của thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, những giải pháp và kiến nghị, đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở bám sát quy định của Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, Kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác có liên quan./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật