Liên kết website

Một số kết quả triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường

28/09/2022

Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên. Công tác này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, trang bị kiến thức, kỹ năng để các em có nền tảng phát triển. Trong đó, ý thức pháp luật là một thành phần quan trọng không thể thiếu đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thông qua giáo dục pháp luật trong nhà trường, các em được trang bị những tri thức pháp luật, xây dựng, hình thành ở các em lối sống lao động và học tập theo pháp luật với đầy đủ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người công dân. Có thể nói rằng việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là một yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời, biết sống và làm việc theo pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội có kỷ cương, nề nếp.

Nhận định được tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn
Để triển khai công tác PBGDPL trong trường học, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL trong toàn ngành, đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân; biên soạn, in ấn các tài liệu PBGDPL;…
Ban hành chương trình giáo dục pháp luật:
Triển khai quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Giáo dục và đào tạo đã giao Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn Giáo trình pháp luật đại cương dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật. Từ năm 2014, giáo trình này đã được giới thiệu tới các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau tốt nghiệp, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo trong giáo dục đại học, trong đó có các khối ngành thuộc lĩnh vực pháp luật (dự kiến hoàn thành trong năm 2022). Chương trình giáo dục pháp luật ở giáo dục thường xuyên đã được ban hành cùng với Tài liệu giảng dạy về giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu của người học. Đối với các cấp học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình và sách giáo khoa môn Đạo đức, Giáo dục công dân (GDCD) và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Công việc được tiến hành hằng năm, đặc biệt, sau khi các luật mới có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức rà soát sách giáo khoa môn Đạo đức ở tiểu học, môn GDCD từ lớp 6 đến lớp 12 cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, cập nhật, biên soạn lại cho phù hợp với quy định mới.
Chuẩn hóa giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật:
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn và ban hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy GDCD từ năm 2014. Đối tượng tham gia bồi dưỡng là giáo viên đang dạy môn GDCD trong các trường THCS và THPT chưa qua đào tạo đúng chuyên môn giáo dục công dân, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy (Cấp THCS có 1.856 giáo viên được bồi dưỡng, cấp THPT có 263 giáo viên được bồi dưỡng).
Từ đó đến nay, hằng năm các cơ sở bồi dưỡng giáo viên thường xuyên cập nhật chương trình để tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang dạy GDCD trong các trường THCS và THPT chưa qua đào tạo đúng chuyên môn, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy. Như vậy, hầu hết giáo viên dạy môn GDCD hiện đã được chuẩn hóa.
Đối với bộ phận nhỏ giáo viên GDCD chưa đáp ứng trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn, tiến tới mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo vào năm 2030.
Trong thời gian qua, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên môn GDCD ở cấp THCS, THPT, giáo dục thường xuyên (GDTX), chỉ đạo bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy đúng chuyên ngành. Hiện nay, giáo viên giảng dạy môn GDCD của nhiều địa phương đã cơ bản đảm đủ số lượng, được bố trí giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo, được tạo điều kiện về tài liệu giảng dạy, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm:
Đối với khối trường đại học không chuyên luật, trường cao đẳng sư phạm, gần 100% các cơ sở đào tạo đã bố trí giảng viên giảng dạy pháp luật tại các nhà trường, đảm bảo đối với sinh viên các ngành kinh tế không chuyên Luật, chương trình gồm môn học Pháp luật đại cương và tìm hiểu pháp luật về kinh doanh, đối với sinh viên các ngành khối kỹ thuật, sư phạm, khối ngành khoa học nhân văn, được học chương trình gồm 01 môn học bắt buộc Pháp luật đại cương và tìm hiểu nội dung các quy định pháp luật chuyên ngành gắn với chuyên ngành đào tạo cụ thể của sinh viên. Trong giai đoạn vừa qua, các trường đại học thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện các chương trình giáo dục pháp luật đang thực hiện ở các ngành học, bổ sung vào nội dung chương trình các kiến thức, quy định pháp luật mới. Nội dung giảng dạy pháp luật được quan tâm lựa chọn, điều chỉnh cho phù hợp hơn với yêu cầu của các chuyên ngành đào tạo và các văn bản pháp luật hiện hành.
Tại các địa phương:
Công tác PBGDPL trong ngành giáo dục đã ngày càng đi vào nền nếp; chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên rõ rệt nhìn ở mọi phương diện từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đến việc bố trí nguồn lực, củng cố đội ngũ làm công tác PBGDPL cũng như nội dung, hình thức PBGDPL. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ được chú trọng thực hiện từ trung ương đến địa phương, cơ sở giáo dục, trong đó tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục pháp luật thông qua việc lồng ghép, cập nhật nội dung pháp luật vào các môn học: GDCD, Lịch sử, Địa lý… Nhiều trường phổ thông tổ chức cho học sinh tập đóng vai, xử lý tình huống thực tiễn đời sống, hoạt động nhóm, ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá kiến thức pháp luật từ các nguồn tài liệu, từ thực tiễn đời sống. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn, xây dựng nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp để tổ chức giảng dạy pháp luật cho học sinh phù hợp với đặc điểm và nhu cầu học sinh từng vùng miền.
Nhiều trường THCS, THPT đã tổ chức các buổi ngoại khóa giáo dục các kỹ năng cho học sinh như: kỹ năng phòng chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân, phòng, chống bạo lực học đường,… 100% các trường phổ thông đã triển khai nghiêm túc công tác giáo dục đạo đức, lối sống; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, bộ máy nhà nước, chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo.
Một số mô hình, cách làm hiệu quả:
Trong thời gian qua, nhiều mô hình PBGDPL thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đối tượng được PBGDPL đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường như sau:
  • Mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”, theo đó các trường học trang bị hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ sơn, khu vực xếp xe… Qua đó, giúp người học hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ khi còn nhỏ. Mô hình cổng trường học an toàn giao thông góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của học sinh cũng như các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông, tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Mô hình này được nhân rộng và phát huy hiệu quả ở hầu hết các trường học khu vực thành thị, vùng đồng bằng tại 63/63 tỉnh, thành phố.
  • Mô hình các câu lạc bộ PBGDPL dành cho học sinh theo từng cấp học vừa kết hợp bồi dưỡng những tư tưởng, tình cảm trong sáng, xây dựng nếp sống văn minh – lịch sự, vừa góp phần “thẩm thấu” ý thức tôn trọng pháp luật cho người học, làm hạn chế tình trạng học sinh, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện.
  • Mô hình giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh gắn với phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo được triển khai có hiệu quả tại các tỉnh, thành phố ven biển.
  • Mô hình “Ngày pháp luật, “Tiết pháp luật” định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần dành cho cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS, THPT, nội dung theo chủ đề, chủ điểm theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng phối hợp PBGDPL do báo cáo viên pháp luật cấp huyện, cấp tỉnh triển khai.
  • Mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật” đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL trong các cơ quan, đơn vị trường học ở nhiều địa phương, lan tỏa được những cách làm hay, sáng tạo đến với nhiều đơn vị. Theo mô hình này, các thành viên nhóm thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và PBGDPL, quán triệt, triển khai đến các cơ sở giáo dục trong phạm vi tỉnh/huyện/quận.
  • Mô hình “Tuần sinh hoạt công dân, học sinh, sinh viên” được các cơ sở giáo dục đại học, trường sư phạm trên toàn quốc tổ chức định kỳ vào đầu năm học, đầu khóa, cuối khóa, nhằm phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học, các văn bản mới ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của sinh viên; phổ biến các văn bản, quy định liên quan đến bảo vệ biển, đảo, biên giới; phòng chống tội phạm, ma túy, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, an toàn thông tin, an ninh mạng, hỗ trợ khởi nghiệp…
  • Thiết kế Infographic (hình thức đồ họa trực quan) tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật hình sự. Mỗi ngày tuyên truyền 01 hành vi được xác định là hành vi tham nhũng và trách nhiệm hình sự theo quy định trong mục thông báo dành cho cán bộ, giảng viên và mục thông báo dành cho sinh viên trên website của Trường.
  • Hình thức phổ biến pháp luật thông qua hội thi được các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường trong toàn quốc vận dụng linh hoạt, sáng tạo đảm bảo yêu cầu PBGDPL không khô khan, dễ dàng đi vào cuộc sống, tạo sự hứng khởi cho học sinh, sinh viên. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến hoặc thông qua hình thức sân khấu hóa đều tạo tâm lý hào hứng cho học sinh, sinh viên và đặc biệt giúp cho các em có thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích.
Có thể thấy, các mô hình PBGDPL nêu trên đều có ý nghĩa giáo dục tích cực, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong việc thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao hiệu quả thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của cán bộ, nhà giáo, người học trong ngành giáo dục./.
Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: