Liên kết website

Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài

16/10/2022

Đó là một trong ba quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh tại Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký phê duyệt tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022.

Theo đó, Đề án khẳng định kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành. Công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đạt kết quả tốt là điều kiện quyết định để công tác truyền thông về quyền con người đạt hiệu quả tốt. Như vậy, giáo dục kiến thức về quyền con người, tuyên truyền về quyền con người có ảnh hưởng lớn đến sự thành công trong nhiệm vụ truyền thông về quyền con người, góp phần phòng, chống, phản bác thông tin xấu độc, xâm phạm quyền con người.
Bên cạnh đó, Đề án còn nhấn mạnh hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.
Đề án nêu quan điểm truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 03 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta.
Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đây là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của toàn hệ thống chính trị và là công việc của toàn dân. Cùng với sự nhiệt tình quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta đạt được nhiều thành tựu cơ bản, rất đáng trân trọng. Nhận thức về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong toàn xã hội, do đó cũng ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện những quy định bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng…
Về nội dung truyền thông trong Đề án bao gồm: (i) Luật pháp quốc tế về quyền con người, đặc biệt quan tâm đến 07 công ước cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên[1]; (ii) Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người; (iii) Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam; Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; (iv) Các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam; (v) Các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.
Trên cơ sở đó, Đề án đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý Đề án như xây dựng chương trình kế hoạch, biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người; xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người; thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông; hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người; tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người..
Việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Quyết định số 1079/QĐ-TTg 14/9/2022 có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

(1) Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị;
(2) Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa;
(3) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ;
(4) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc;
(5) Công ước về Quyền Trẻ em;
(6) Công ước về Quyền của Người khuyết tật;
(7) Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người.
Các tin đã đưa ngày: