Năm nay là năm thứ 10 Ngày Pháp luật được tổ chức theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả. Đây cũng là nội dung trao đổi của Báo Pháp luật Việt Nam với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Đã trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên
Xin Thứ trưởng chia sẻ đôi nét về kết quả triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua và đặc biệt trong năm 2022 – năm thứ 10 tổ chức Ngày Pháp luật?
- Như chúng ta đã biết, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, qua đó góp phần xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Đồng thời, việc tổ chức Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục, xây dựng ý thức pháp luật, niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện Điều 8 Luật PBGDPL năm 2012, từ năm 2013 đến nay, hoạt động hưởng ứng tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam đã được thực hiện định kỳ hàng năm với các chủ đề phù hợp, có nhiều điểm nhấn. Qua 10 năm tổ chức, căn cứ theo hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả, thiết thực. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật đã và đang trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và đi vào nền nếp. Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung, hình thức tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở Kế hoạch và văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đến nay, có 11 bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, ý nghĩa.
Phổ biến pháp luật hướng mạnh về cơ sở
Thứ trưởng vừa nêu Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện định kỳ hàng năm với các chủ đề phù hợp, có điểm nhấn. Vậy thưa ông, điểm nhấn của năm thứ 10 tổ chức Ngày Pháp luật là gì?
- Thời gian qua, thực hiện Luật PBGDPL, các bộ, ngành, địa phương tích cực tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Một trong những điểm nhấn quan trọng của công tác này là việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực trên phạm vi cả nước nhằm hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL.
2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương sẽ tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 vào tối 6/11/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo kế hoạch, Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các cơ quan của Quốc hội, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể; thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp một số địa phương, đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí Trung ương và Hà Nội và các tập thể, cá nhân được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, để đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, tạo sức lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến đông đảo người dân theo tinh thần hướng mạnh về cơ sở, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo tổ chức làm điểm các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại cơ sở gồm: TP Hồ Chí Minh (tổ chức tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú vào ngày 17/10/2022); tỉnh Nam Định (tổ chức tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu vào ngày 27/10/2022); tỉnh Nghệ An (tổ chức tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương vào ngày 31/10/2022); tại Bắc Ninh (ngày 4/11); đồng thời tổ chức sự kiện hưởng ứng tại Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (ngày 01/11/2022). Tại đây, các đại biểu Trung ương, tỉnh, huyện, xã đã trao đổi các mô hình, cách làm hiệu quả trong tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thi hành pháp luật, PBGDPL; tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân và các hoạt động thiện nguyện xã hội. Qua đó, lựa chọn cách làm hay, mô hình tốt tại cơ sở để nhân rộng trong toàn quốc nhằm tăng hiệu ứng lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến các tầng lớp nhân dân.
Ngày Pháp luật cần thực sự là ngày hội của toàn dân
Như Thứ trưởng vừa chia sẻ, 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn mới, cần triển khai những giải pháp gì để Ngày Pháp luật ngày càng thực chất và hiệu quả hơn nữa?
- Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật các năm qua không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn. Ngoài việc triển khai Ngày Pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa đi vào thực chất, cách thức tổ chức, chỉ đạo thực hiện Ngày Pháp luật có nơi chậm đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL và tổ chức Ngày Pháp luật chưa được tiến hành sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Không những vậy, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố của nước ta, nhất là các tỉnh, thành phía Nam, nên công tác tuyên truyền, PBGDPL trong hai năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng, nhiều nội dung chưa được thực hiện theo đúng tiến độ…
Để Ngày Pháp luật ngày càng trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng của cả nước, thực sự là ngày hội của toàn dân, việc tổ chức Ngày Pháp luật thời gian tới cần tập trung vào một số định hướng sau:
Thứ nhất là, phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong công tác tham mưu, hướng dẫn; tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật cần bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; có các giải pháp để triển khai hiệu quả Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.
Thứ hai là, xác định tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chỉ là đợt cao điểm trong năm, là dịp để đánh giá, nhìn lại công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, PBGDPL của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội. Như vậy, để hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả thì công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, PBGDPL phải được thực hiện hiệu quả. Do vậy, đề nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình các cơ quan, đơn vị cần bám sát các chương trình xây dựng pháp luật, tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện nghiêm các Nghị quyết Hội nghị chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, gắn với việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” để tạo đồng thuận trong xã hội đối với các chính sách trong dự thảo văn bản tạo tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành.
Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo đảm các quy định pháp luật được chấp hành nghiêm minh, thống nhất ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng. Cùng với việc tổ chức Ngày Pháp luật, cần đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nhất là vai trò gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, triệt để loại bỏ tham nhũng, mọi hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy Nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất. Từ đó, giúp nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân vào pháp luật, phát huy giá trị của pháp luật trong cuộc sống.
Tăng cường công tác PBGDPL tạo tiền đề để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, gắn với việc thực hiện hiệu quả Đề án 977 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc chủ động tìm hiểu và thực thi pháp luật. Phát huy vai trò của lực lượng công an xã, phường, thị trấn, bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển trong công tác PBGDPL cho người dân. Chú trọng thực hiện dân vận khéo trong tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, duy trì, nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật cấp xã gắn với thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, bảo đảm thực chất, lấy kết quả thụ hưởng của nhân dân làm mục tiêu thực hiện theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Thứ ba là, chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tiếp tục nghiên cứu làm điểm, lựa chọn nhân rộng, phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả để ngày 9/11 dần trở thành ngày hội của toàn dân, tạo nét đẹp văn hóa “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đưa thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi công dân, đồng thời quan tâm khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam