Chủ trì Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát biểu khai mạc Hội nghị và nhấn mạnh…việc đánh giá, công nhận cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ được được giao, nhất là những lĩnh vực trực tiếp gắn với quyền, lợi ích của người dân. Chính quyền các cấp cần lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm việc đánh giá được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật. Đồng thời gắn việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua đó bảo đảm tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân, hiểu dân và phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Thạo, Trưởng phòng Vụ PBGDPL giới thiệu những điểm mới cơ bản, quan trọng trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP so với các quy định cũ trước đây. Từ đó hướng dẫn các nội dung và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đầy đủ, đúng yêu cầu. Đồng thời Hội nghị cũng được quán triệt, hướng dẫn quy trình đánh giá tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; mô hình điển hình về phố biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Qua trao đổi, thảo luận với các đại biểu dự Hội nghị, báo cáo viên đã nắm bắt được thực tế triển khai công tác này tại địa bàn, những khó khăn địa phương gặp phải khi triển khai, từ đó các đại biểu tham dự Hội nghị đã được giải đáp thắc mắc, hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Các đại biểu tham gia Hội nghị đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương mình, thông qua các câu hỏi, bài tập tình huống đã giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn các nội dung và nhiệm vụ cần tham mưu, thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.
Hội nghị nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu về cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, giúp học viên dễ tiếp thu nội dung kiến thức chuyên môn, đồng thời định hình cho mình phương thức tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khoa học, nhanh chóng, thuận tiện. Hy vọng rằng qua Hội nghị tập huấn các cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2022./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật