Đổi mới PBGDPL theo hướng sinh động, hiệu quả
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức quán triệt, phổ biến công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản, xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL cụ thể và chủ động tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.
Bộ đã chỉ đạo sâu sát công tác củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong tổ chức thực hiện PBGDPL. Hội đồng gồm 28 thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ doThứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp là Chủ tịch Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
Từ năm 2013 đến tháng 7 năm 2022, Bộ đã ban hành 54 văn bản. Về số lượng văn bản được PBGDPL: Riêng lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, Bộ đã phổ biến khoảng 5.000 lượt văn bản QPPL chuyên ngành.
Trên cơ sở quy định tại Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ đã lựa chọn hình thức, phương pháp thích hợp; đa dạng hoá hình thức, kết hợp, lồng ghép giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng phát hiện, tổng kết thực tiễn và nhân rộng các hình thức PBGDPL mới, hiệu quả. Đặc biệt, hình thức Thi tìm hiểu pháp luật đã được Bộ tổ chức thực hiện hiệu quả.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ đã tổ chức 43.220 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 4.094.017 lượt người; Tổ chức 08 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 2.076 người dự thi; Xây dựng, phát hành miễn phí 517.246 tài liệu pháp luật; Đăng tải, phát sóng 5.507 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ luôn quan tâm đầu tư các phương tiện, trang thiết bị, bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL, thu hút các nguồn lực tham gia vào công tác này. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ bố trí kinh phí thực hiện công tác PBGDPL được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của các đơn vị, hàng năm số tiền đầu tư cho công tác PBGDPL khoảng từ 8 đến 10 tỷ đồng. Kinh phí cho công tác PBGDPL thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và lấy từ kinh phí thường xuyên của đơn vị. Bộ cũng tích cực tranh thủ sự tài trợ của các dự án nước ngoài, của tổ chức quốc tế, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước để tạo nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL.
Dự thảo chính sách cần tiếp tục tăng cường truyền thông từ sớm từ xa.
Tuy nhiên, Bộ NN và PTNT cũng chỉ ra rằng, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về công tác PBGDPL chưa toàn diện và đầy đủ, công tác chỉ đạo thực hiện còn lúng túng; chưa xây dựng đầy đủ kế hoạch thực hiện dài hạn, chưa chỉ đạo cụ thể, chưa tổ chức kiểm tra việc thực hiện một cách thường xuyên;
Công tác PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị chưa thiết thực, còn hình thức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật ở cơ sở còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Một số cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, còn làm trái chủ trương, chính sách và pháp luật gây hậu quả xấu.
Nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn quá hạn hẹp. Có đơn vị hầu như không có, các nguồn kinh phí khác huy động khó khăn. Việc tổng hợp, dự toán kinh phí PBGDPL khó tổng hợp, chưa đầy đủ và toàn diện.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị quy định chi tiết và tổ chức thực hiện trên thực tế chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế; Thường xuyên kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL của Chính phủ, xác định rõ vai trò, quyền hạn của Hội đồng với các Bộ, ngành một cách cụ thể và thiết thực hơn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, có chính sách, chế độ cụ thể đối với lực lượng này.
Bên cạnh đó, cần đưa công tác PBGDPL trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi đơn vị; đưa vào tiêu chí đánh giá bình xét thi đua hàng năm của đơn vị, cá nhân; Bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL thành một dòng riêng trong nguồn kinh phí bố trí hàng năm cho các Bộ, ngành.
Tại buổi kiểm tra các thành viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc thực hiện PBGDPL tại Bộ Nông nghiệp và PTNT như hoạt động của Hội đồng PBGDPL Bộ, công tác kiểm tra, tự kiểm tra của Hội đồng, các hình thức PBGDPL cho nông dân, nông thôn; việc bố trí nguồn lực cho PBGDPL; việc thực hiện Đề án về truyền thông chính sách…
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNN cho biết, trên cơ sở xác định công tác PBGDPL phải đi trước một bước để thực thi triển khai hiệu quả pháp luật về NN và PTNT nên đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác PBGDPL, trong đó ưu tiên các đối tượng đặc thù; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước; các Doanh nghiệp phổ biến pháp luật cho người dân. Các hình thức PBGDPL được triển khai đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu quản lý của Bộ, ngành; yêu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp và trên thực tế triển khai cho thấy mang lại nhiều hiệu quả rõ nét.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, cách lấy ý kiến vào dự thảo Văn bản hiện còn đang nhiều vấn đề phải quan tâm về tiến độ thời gian, về số lượng, chất lượng ý kiến đóng góp. Thời gian qua, Bộ NN và PTNT rất lưu tâm đến vấn đề này nên có nhiều cách làm mới, sáng tạo ngay từ khi xây dựng chính sách, quan tâm lấy ý kiến đối tượng chịu trách nhiệm trực tiếp của văn bản để tạo sự đồng thuận. Bộ, ngành luôn chủ động tiếp thị chính sách đến với các đối tượng chứ không đợi họ góp ý. Tuy nhiên, các chính sách truyền thông cũng phải được lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Việc đa dạng hình thức PBGDPL phải kết hợp tư vấn, trợ giúp, khen thưởng.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc và những kết quả trong công tác PBGDPL của Bộ NN và PTNT. Ông Cao Huy cũng ghi nhận các kiến nghị của Bộ để tổng hợp trình Hội đồng Trung ương có những giải pháp cụ thể.
Thời gian tới, ông Cao Huy nhấn mạnh, Bộ cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Luật PBGDPL và các văn bản liên quan, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực Hội đồng đẩy manh tiến độ, chất lượng thực hiện các Đề án. Hướng dẫn các Sở địa phương thực hiện tốt PBGDPL trong lĩnh vực được giao
Những vấn đề gắn trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Cao Huy lưu ý các dự thảo chính sách cần tiếp tục tăng cường truyền thông từ sớm từ xa.
Biểu dương Bộ NN và PTNT có nhiều cách làm hay sáng tạo, ông Cao Huy cũng khuyến khích Bộ cần tiếp tục nhân rộng các mô hình này trên phạm vi rộng để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo học hỏi kinh nghiệm.
Cùng đó, Bộ cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức tham mưu làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên…Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc của cơ sở để giải quyết kịp thời; chủ động bố trí kinh phí PBGDPL hợp lý trong nguồn kinh phí hàng năm.
Đánh giá chung của Bộ NN và PTNT cho thấy, sau thời gian triển khai, công tác PBGDPL đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của cán bộ công chức trong ngành và nhân dân; góp phần phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; Thông qua thực hiện PBGDPL đã phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thu nhận được ý kiến của các tổ chức cá nhân để góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới;
Thực hiện PBGDPL đã góp phần khẳng định vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam