Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và Quyết định số 1723/QĐ-BTP, nhất là từ khi việc triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt là tại chính quyền cơ sở, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu triển khai nhiệm vụ này là hết sức quan trọng và cần thiết.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Phong – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang khẳng định, mục tiêu quan trọng của việc đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiện nay là nhằm thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021-2025 Ngành Tư pháp được giao nhiệm vụ hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ tiêu 18.4 (Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định); Tiêu chí 16 (Tiếp cận pháp luật) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; Chỉ tiêu 9.6 (Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định) trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản Hướng dẫn đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đánh giá, thẩm định tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo nội dung hướng dẫn của Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn nghiêm túc, tập trung, tích cực trao đổi, thảo luận với báo cáo viên nhằm kịp thời giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ, qua đó nâng cao chất lượng tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được TS Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu cụ thể nội dung cơ bản và một số điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP (về nguyên tắc thực hiện, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, giới thiệu cụ thể về cách chấm điểm cụ thể các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật). Bên cạnh đó, các đại biểu đã được tập huấn về các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh dưới sự trình bày của đ/c Nguyễn Thị Thạo – Trưởng phòng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Hội nghị diễn ra sôi nổi thông qua việc thực hiện các bài tập thực hành về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của thuộc trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã. Đồng thời có sự trao đổi, tương tác giữa các báo cáo viên pháp luật và các học viên nhằm giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật