Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Thị Mỹ Dung – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đồng chí Lâm Sáng Tươi – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh, đồng chí Võ Minh Thưởng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cùng đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng PBGDPL của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau; đại diện một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đại diện 15 Phòng Tư pháp và một số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An.
Dẫn đề tại Hội thảo, đ/c Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP; ban hành Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 hướng dẫn tiêu chí cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, chuẩn đô thị văn minh và tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xã nông thôn mới nâng cao. Chỉ riêng trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao tham mưu thực hiện nhiệm vụ này ở các cấp tại các địa phương chọn điểm tại Hà Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Nam Định, Sóc Trăng và Khánh Hòa; tổ chức 05 Đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế kết hợp giải đáp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Long An và tổ chức một số tọa đàm, hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở…Tại địa phương, đến nay có 63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch, văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và Quyết định số 1723/QĐ-BTP. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, hoạt động cụ thể như tổ chức tập huấn, truyền thông, xây dựng tài liệu, tổ chức kiểm tra…
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ những kết quả đạt được, những thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn trên địa bàn. Đặc biệt các đại biểu chia sẻ thẳng thắn và được đồng chí chủ trì Hội thảo giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tập trung vào một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; về mô hình điển hình về PBGDPL, hoà giải ở cơ sở; về việc lấy kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới các cấp…
Kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thời gian qua đã đi vào nề nếp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng chí cũng khẳng định các ý kiến trao đổi, phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành đến việc hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật