Liên kết website

Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2014

04/03/2014

Ngày 03 tháng 3 năm 2014 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-BTP về Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2014.

 

Kế hoạch nêu ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần thực hiện trong năm 2014 gồm:

Tập trung cao điểm giới thiệu, phổ biến sâu, rộng Hiến pháp tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; rà soát, biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp và pháp luật...; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến Luật đất đai (sửa đổi), các văn bản Luật mới được Quốc hội thông qua và các văn bản pháp luật quan trọng khác; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao nhận thức về Thừa phát lại bằng các hình thức phù hợp.

Để triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Kế hoạch yêu cầu cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện  Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ công bố Ngày Pháp luật năm 2013; các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam năm 2014 (ngày 9/11/2014). Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật  các cấp cần xây dựng Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp mình năm 2014 và tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và UBND các cấp ở địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đặc biệt quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai một số hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với việc thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016” của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW, Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg và các Đề án khác về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về công tác hòa giải ở cơ sở: Xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trình Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành; xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; ban hành mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục triển khai các hoạt động phổ biến nội dung Luật hòa giải ở cơ sở; tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ quản lý, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 và Quyết định số 2423/QĐ-BTP ngày 30/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban bành Kế hoạch tăng cường PBGDPL, trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai.

Về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở: Để triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Bộ Tư pháp có trách nhiệm ban hành Thông tư quy định về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; trình tự đánh giá, công nhận, xếp hạng, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật; xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. UBND các cấp theo thẩm quyền thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; tổ chức đánh giá, công nhận, xếp hạng, công bố, khen thưởng các địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần quan tâm công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn, làng, ấp, bản, cụm dân; củng cố các thiết chế ở cơ sở có lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật (tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật…).

Việc thực hiện các nhiệm vụ trên phải bám sát các văn bản của Đảng về phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2014 và chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được triển khai phù hợp với từng cấp, từng ngành, địa phương. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp cần phát huy vai trò chủ động tư vấn; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, công chức Tư pháp - Hộ tịch, Tổ chức pháp chế, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của các  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp nhà nước cần phát huy tính chủ động, tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác PBGDPL; từng bước xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tổ chức pháp chế, cơ quan làm nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của các Bộ, ngành, đoàn thể, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Trưởng các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình; định kỳ 6 tháng (trước ngày 02/6), hàng năm (trước ngày 02/12) báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật).

Các tin đã đưa ngày: