Về phía chuyên gia tham dự Hội thảo có ThS. Hoàng Thị Hạnh – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; TS. Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Dung – Giảng viên chính Trường Đại học Luật Hà Nội. Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Trần Thị Mỹ Linh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương, Phú Yên, Ninh Thuận và Đồng Nai cùng đại diện một số sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh, một số cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt tham dự Hội thảo còn có sự tham dự một số tổ chức hội đại diện cho một số nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế. Trước đó, vào ngày 29/8/2023 tại Thủ đô Hà Nội, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý lần 1 đối với các chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam và bảo đảm mục tiêu cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc tăng cường nhận thức và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân là một phần không thể thiếu để hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, đặc biệt hướng tới các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế … Chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và nhiều chương trình, đề án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã hướng tới các nhóm yếu thế nhằm bảo đảm cho người dân được tiếp cận pháp luật đầy đủ, thuận tiện, kịp thời, chính xác. Từ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật PBGDPL năm 2012 đã có một chương riêng quy định về PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù. Ngày 11/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Đây được coi là giải pháp toàn diện, đột phá, thực hiện mục tiêu "đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm". Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định quan điểm: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật và đề ra mục tiêu “Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Mặc dù thể chế, chính sách nhằm nâng cao nhận thức, pháp luật cho người dân và nhóm đặc thù, yếu thế ngày càng hoàn thiện nhưng công tác tổ chức thi hành vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh vẫn có những “vùng trũng” về thông tin pháp luật, hiểu biết pháp luật của người dân và nhóm đặc thù, yếu chế còn hạn chế. Cục PBGDPL đã phối hợp với nhóm chuyên gia và UNDP tại Việt Nam xây dựng các báo cáo nghiên cứu để phục vụ việc xây dựng, ban hành Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế trong thời gian tới, trong đó nghiên cứu kỹ về bối cảnh, yêu cầu, nội dung, hình thức PBGDPL và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân và nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế.
TS. Đào Thị Thu An – Quản lý Dự án EU JULE cho biết từ năm 2019, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tại Việt Nam, các nhóm chuyên gia để tổ chức triển khai thực hiện, từ việc tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức và nhu cầu hiểu biết pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… tại 06 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trên cơ sở khảo sát, nhóm chuyên gia đã xây dựng “Báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế”. Xác định đối tượng đặc thù, yếu thế là những người có hiểu biết pháp luật còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật so với nhóm đối tượng khác. Do đó, để thu hẹp khoảng cách và sự chênh lệch về nhận thức pháp luật, tạo sự cân bằng trong tiếp cận thông tin pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì việc xây dựng các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu các nội dung liên quan, gắn với nội dung trực tiếp của dự thảo Chiến lược như bối cảnh, yêu cầu, mục tiêu, nội dung, hình thức PBGDPL, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện là vô cùng quan trọng..
Sau phần trình bày tóm tắt đối với 03 chuyên đề
[1] của TS. Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện nhóm chuyên gia, Hội thảo đã nhận được các ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận sôi nổi của các chuyên gia, người làm công tác thực tiễn từ trung ương đến địa phương, các tổ chức đại diện cho người khuyết tật. Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị các chuyên đề công phu của nhóm chuyên gia và đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Chiến lược nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần rà soát lại, bổ sung thông tin, số liệu để chỉnh lý cho phù hợp, đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra phải bảo đảm khả thi, toàn diện và phải gắn với thực trạng công tác PBGDPL và thực trạng nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhóm đặc thù, yếu thế hiện nay.
Kết luận Hội thảo, TS. Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp khẳng định Hội thảo đã đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra với nhiều ý kiến phát biểu đa dạng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, nhiều ý tưởng mới xuất phát từ thực tiễn triển khai công việc của đội ngũ chuyên gia, các nhà quản lý tại địa phương, cơ sở và đặc biệt ý kiến của các tổ chức đại diện cho chính đối tượng thụ hưởng của Chiến lược. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham dự, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với nhóm chuyên gia để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các chuyên đề nghiên cứu nêu trên. TS. Ngô Quỳnh Hoa khẳng định, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân trong thời gian tới càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hướng đến một nước Việt Nam công nghiệp, hiện đại vào năm 2030 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết số 27-NQ/TW đã khẳng định quan điểm
“Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật... Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội…”. Đứng trước bối cảnh, tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy rõ bên cạnh những thách thức chính là động lực, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có công tác PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân nói chung, cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế nói riêng. Điều đó đòi hỏi những người quản lý, những người thực tiễn triển khai công tác này cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Điều đó cần được nghiên cứu và thể hiện rõ ràng trong các chuyên đề nghiên cứu nhằm thể chế hóa cụ thể trong Chiến lược khi được ban hành trong thời gian tới.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Chuyên đề 1 đề cập đến các vấn đề chung về xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế (Quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, tổ chức thực hiện, khung theo dõi, đánh giá việc thực hiện chiến lược); khuyến nghị về hình thức văn bản và thẩm quyền ban hành Chiến lược; Chuyên đề 2 phân tích cụ thể về nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp với nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế và người dân; Chuyên đề 3 đề cập các giải pháp, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm đặc thù, yếu thế