Bên cạnh đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”, trong đó bổ sung nhiều nội dung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đòi hỏi thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính phải được quy định phù hợp với hình thức nộp qua dịch vụ công trực tuyến để người dân thuận lợi khi thực hiện. Năm 2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành một số văn bản Luật có ảnh hưởng trực tiếp tới quy định của pháp luật cư trú như Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Đây là những văn bản pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quy định tại Nghị định số 62/2021/NĐ-CP về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú cho công dân, về Cơ sở dữ liệu về cư trú và giải quyết đăng ký cư trú theo quy trình điện tử...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay và những năm tiếp theo, hiện Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú (thay thế Nghị định số 62/2021/NĐ-CP).
Dự thảo Nghị định gồm 04 chương, 19 điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 02 điều (Điều 1 và Điều 2) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng. Các nội dung này cơ bản được giữ như quy định của Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021.
- Chương II: Nơi đăng ký cư trú, đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gồm 09 điều (từ Điều 3 đến Điều 11), quy định về: Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp; giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh; một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú; hủy đăng ký thường trú, tạm trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú.
Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết và khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong đăng ký, quản lý cư trú; đặc biệt là đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh và vấn đề hủy đăng ký thường trú, tạm trú, dự thảo Nghị định đã sửa đổi tất cả các điều tại Chương II và bổ sung thêm 03 điều mới so với quy định của Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021. Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề như: Các loại giấy tờ công dân cần chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; xác định rõ nơi thường trú của trẻ em mới sinh và trình tự, thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh, một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú, hủy đăng ký thường trú, tạm trú…
- Chương III: Cơ sở dữ liệu về cư trú, gồm 06 điều (từ Điều 12 đến Điều 17), quy định về: Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân; hệ thống Cơ sở dữ liệu về cư trú; nguồn thông tin, yêu cầu, thứ tự thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú; cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; sử dụng, sao lưu, phục hồi dữ liệu về cư trú.
Nội dung của Chương III dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân và kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú để phù hợp với quy định của Luật Căn cước. Dự thảo bổ sung thông tin về “đối tượng khai báo tạm vắng”, “nơi đến trong thời gian tạm vắng”, “thông tin khác về công dân được tích hợp, chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác”; đồng thời bỏ “Thông tin nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó”, trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân.
- Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 18 và Điều 19)
, quy định về hiệu lực thi hành
và trách nhiệm thi hành. Theo đó, khi Nghị định có hiệu lực thi hành sẽ thay thế Nghị định số
62/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 quy định chi tiết một số điều
Luật Cư trú.
Nhằm tạo cơ sở quan trọng để xây dựng chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, đáp ứng được yêu cầu trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục, giảm thời gian đi lại, giấy tờ, hồ sơ phải xuất trình, các thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định đã được quy định theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn rất nhiều so với quy định trước đây. Dự thảo Nghị định không quy định thêm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Dự thảo Nghị định được đăng tải công khai lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an từ ngày 06/5/2024 (địa chỉ
https://www.bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-du-thao/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-cua-luat-cu-tru-443.html)./.