Thứ hai, sách pháp luật là một trong các phương tiện để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trực tiếp đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đối tượng cán bộ, công chức và người dân.
Theo khoản 2 Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 thì một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là thông qua biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật (gồm: đề cương tuyên truyền, văn bản pháp luật, sách hướng dẫn, giải thích pháp luật, sách pháp luật bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật...). Trong đó, sách pháp luật là một loại tài liệu để phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho đối tượng người đọc sách. Hiện nay, theo hình thức thể hiện có sách pháp luật in, sách pháp luật điện tử và sách pháp luật nói. Theo nội dung thể hiện có: Sách nghiên cứu pháp luật (gồm: bình luận khoa học, phân tích, giải thích các vấn đề pháp lý, từ điển luật...); Sách dạy, học pháp luật (gồm: sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo phục vụ việc giảng dạy và học pháp luật); Sách pháp luật phổ thông (gồm: sách hỏi đáp pháp luật, sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, sách pháp luật bỏ túi…); Sách hệ thống hoá văn bản pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua sách pháp luật có những ưu thế nhất định so với các hình thức PBGDPL khác. PBGDPL qua sách pháp luật có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều đối tượng với nhiều trình độ nhận thức khác nhau. Theo nhu cầu của bản thân, người đọc được chủ động về thời gian đọc, nghiên cứu các nội dung được truyền tải trong sách; chủ động lựa chọn nội dung pháp luật mong muốn tìm hiểu. Mỗi cuốn sách pháp luật có thể chỉ tập trung truyền tải về một vấn đề pháp luật, song cũng có thể truyền tải, phổ biến nhiều vấn đề, nhiều nội dung pháp luật.
Thứ ba, sách pháp luật giúp người đọc sách nâng cao hiểu biết pháp luật.
Thông qua việc đọc sách pháp luật, người đọc sẽ được trang bị nội dung, kiến thức về lĩnh vực pháp luật; nắm bắt được các quy định pháp luật thực định của Nhà nước, các quy định về quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể trong từng lĩnh vực pháp luật như dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… để nâng cao trình độ, hiểu biết pháp luật của bản thân; hoặc để chủ động giải quyết vấn đề pháp lý đang gặp phải... Hơn thế nữa, việc hiểu, biết pháp luật sẽ giúp hình thành trong người dân niềm tin vào pháp luật; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; lên án các hành vi vi phạm pháp luật; giúp người dân tham gia một cách chủ động, tích cực vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
2. Một số giải pháp phát huy vai trò của sách pháp luật
Theo một khảo sát gần đây cho thấy, trung bình một người Việt Nam đọc 4 cuốn sách/năm, trong số đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác
[1]. Trong khi đó, ở một số nước như: Nhật Bản, bình quân mỗi năm một người dân đọc hơn 10 cuốn sách
[2]; tại Bỉ, con số này là 50 cuốn sách mỗi năm
[3]… Điều này cho thấy, giá trị, tầm quan trọng của sách chưa được nhận thức đầy đủ hoặc là chất lượng nội dung các cuốn sách chưa đủ thu hút, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Để phát huy vị trí, vai trò của sách pháp luật trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tăng cường hiệu quả sách nói chung, sách pháp luật nói riêng trong đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân. Có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hoá đọc của người dân. Ví dụ: tại Trung Quốc việc đọc đã được luật hóa, chuyển từ "chỉ tiêu mềm" về xây dựng văn hóa thành "chỉ tiêu cứng" và được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Luật Thư viện công cộng (ngày 04/11/2017) xác định: “Nhà nước khuyến khích công dân, pháp nhân và các tổ chức khác trong xã hội đóng góp cho hoạt động thư viện” nhằm “thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện công cộng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, giữ gìn tự tôn văn hóa truyền thống của dân tộc”
[4]. Hay tại Nhật Bản, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật dành cho việc khuyến đọc, như: Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001); Luật Chấn hưng văn hóa đọc (2005); Luật Thư viện (ban hành ngày 30/4/1950; sửa đổi ngày 22/12/1999); Luật Thư viện trường học (có hiệu lực từ ngày 01/4/1953 và sửa đổi lần gần nhất ngày 24/6/2016)… Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã công bố “Kế hoạch cơ bản cho Khuyến khích các hoạt động đọc sách cho trẻ em”
[5].
Thứ hai, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã yêu cầu: “Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường, xuất bản các tài liệu phổ thông về pháp luật; sử dụng hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn…), đa dạng cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật như tăng cường xuất bản và phát hành sách hỏi đáp pháp luật (kể cả sách song ngữ)…”. Do vậy, để thu hút đông đảo các đối tượng đọc sách pháp luật, việc đổi mới, nâng cao chất lượng biên soạn sách pháp luật là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.
Việc biên soạn sách pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng loại sách khác nhau về nội dung, bố cục, hình thức và giá của sách. Đối với sách pháp luật phổ thông, nội dung sách cần bao gồm các vấn đề pháp lý thường gặp trong đời sống hàng ngày, được nhiều người quan tâm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của công dân; các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân...; sách cần được trình bày bắt mắt, khổ sách và độ dày vừa phải, gọn gàng, dễ mang theo, thuận tiện cho người sử dụng; giá sách hợp lý, phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân,...
Bên cạnh đó, việc biên soạn sách cũng cần quan tâm đến nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của người đọc. Mỗi một đối tượng người đọc khác nhau sẽ có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu loại sách pháp luật khác nhau. Thông thường, đối với người nghiên cứu, loại sách họ thường sử dụng là sách nghiên cứu, bình luận khoa học, sách hệ thống hóa văn bản pháp luật theo chủ đề, lĩnh vực pháp luật chuyên ngành cụ thể. Đối với sinh viên, loại sách họ thường sử dụng là giáo trình, từ điển pháp luật, sách tham khảo cho môn học pháp luật cụ thể. Còn đối với người dân, sách pháp luật mà họ thường có nhu cầu đọc là sách pháp luật thường thức như: sách hỏi - đáp pháp luật, sách pháp luật bỏ túi, tiểu phẩm pháp luật, câu chuyện pháp luật; sách hệ thống hóa văn bản pháp luật, sách văn bản luật, pháp lệnh...
Thứ ba, nâng cao văn hoá đọc sách nói chung, sách pháp luật nói riêng trong cộng đồng.
Khác với nhu cầu ăn, mặc - là những nhu cầu sinh học, tối cần thiết, nhu cầu đọc sách và coi sách là thiết yếu mang tính cá nhân, tùy thuộc vào sự trưởng thành về mặt nhận thức và nhu cầu sống của mỗi con người
[6]. Do đó, để phát triển văn hóa đọc sách nói chung, sách pháp luật nói riêng trong toàn xã hội, cần thiết phải xây dựng, hình thành văn hóa đọc sách trong từng cá nhân công dân. Do vậy, cần tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, biện pháp nhằm thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của sách pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Việc đọc sách pháp luật và tiếp thu kiến thức pháp lý không nên giới hạn chỉ ở các ấn phẩm sách pháp luật giấy. Hiện có rất nhiều định dạng sản phẩm số và chắc chắn mỗi năm sẽ còn xuất hiện nhiều định dạng mới, hình thành trên các nền tảng công nghệ mới, hướng tới chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thông tin, hỏi đáp pháp luật. Sách pháp luật có thể số hóa để người đọc có thể đọc trên thiết bị điện thoại di động, thiết bị điện tử cá nhân khác hoặc thể hiện dưới dạng sách pháp luật điện tử nói... Năm 2023, nước ta hơn 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong top đầu thế giới
[7]. Do đó, đây sẽ dư địa lớn cho việc phát triển văn hóa đọc sách pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Thứ năm, quan tâm đầu tư, xuất bản sách pháp luật dành cho đối tượng là người yếu thế, đặc thù trong xã hội, như: Đồng bào dân tộc thiểu số, người khiếm thị. Thực tế hiện nay cho thấy, sách pháp luật dành cho hai đối tượng này là rất ít. Qua theo dõi cho thấy, hiện có Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai xây dựng sách pháp luật điện tử nói cho người khiếm thị
[8]. Bên cạnh đó, để hình thành thói quen đọc sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những nơi mà người dân chưa biết tiếng Việt, thì cần thiết phải quan tâm xuất bản sách cho đối tượng này dưới hình thức sách pháp luật in được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số hoặc sách nói pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số...
Thứ sáu, đổi mới, đa dạng về hình thức phục vụ, khai thác tài liệu, sách pháp luật, nhất là ở cơ sở theo hướng lấy người dân làm trung tâm; xây dựng, thí điểm, phát triển các mô hình đọc ở cộng đồng dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn tìm hiểu pháp luật. Thường xuyên bổ sung, khai thác triệt để nguồn sách, báo, tài liệu có trong các thiết chế văn hóa, thông tin ở cơ sở, cộng đồng để phục vụ nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu; phổ biến rộng rãi, kịp thời các loại sách, báo, tài liệu pháp luật bằng hình thức thông tin thư mục, hướng dẫn tra cứu và các hình thức thông tin tuyên truyền khác. Về hình thức phục vụ như: Đọc, nghiên cứu sách, báo, tài liệu pháp luật tại chỗ; cho mượn sách, báo, tài liệu pháp luật có thời hạn; tra cứu thư viện điện tử...
Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước trong việc phát huy tài liệu, sách pháp luật phục vụ nhân dân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, duy trì, khai thác tài liệu, sách pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, đọc sách pháp luật của nhân dân./.
Nguyễn Thị Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/van-hoa-doc-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so-post996219.vov
[2] Theo https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-quoc-gia-nghien-doc-sach-nhat-the-gioi-231055.html.
[3] Theo https://vtv.vn/giao-duc/thoi-quen-doc-sach-tang-tro-lai-o-chau-au-20180102165232655.htm
[4] Luật Thư viện công cộng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 04/11/2017: Lê Tùng Sơn dịch.
[5] Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/chien-luoc-phat-trien-van-hoa-doc-o-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam/
[7]https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/van-hoa-doc-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so-post996219.vov
[8] Xem thêm: https://plo.vn/ra-mat-sach-noi-phap-luat-cho-nguoi-mu-post433537.html