Liên kết website

Tổ chức Hội nghị Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau

15/08/2024

Ngày 15/8/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hội nghị thuộc khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện.

Hội nghị có sự tham gia của bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau và sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện của các sở, ban, ngành và cán bộ tham mưu thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp; tư vấn viên pháp luật tỉnh Cà Mau; đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau; đại diện Hội doanh nhân trẻ tỉnh Cà Mau và đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cà Mau. TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại - Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội là báo cáo viên tại Hội nghị.


Bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan “Đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội”. Hội nghị là hoạt động được Bộ Tư pháp triển khai theo đề nghị hỗ trợ của Sở Tư pháp Cà Mau nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nắm bắt đầy đủ nội dung các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như những vấn đề cơ bản về pháp chế doanh nghiệp hiện nay, giúp cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đúng quy định pháp luật, hạn chế rủi ro...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận để cùng giải quyết những tình huống thực tiễn cụ thể do báo cáo viên đưa ra. Báo cáo viên cũng đã trao đổi, giải đáp trực tiếp các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp cho các đại biểu. Đồng thời, các đại biểu cũng phối hợp thực hiện khảo sát để giúp Ban tổ chức nắm bắt, tổng hợp các vấn đề thực tiễn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang quan tâm hoặc đang gặp khó khăn, vướng mắc làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.


Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tham dự Hội nghị.
 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp nói chung, của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng trong thời gian tới, giúp công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.


TS Nguyễn Thị Yến - Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội - Báo cáo viên tại Hội nghị.
 

Tại Hội nghị, TS Nguyễn Thị Yến - báo cáo viên đã trao đổi với các đại biểu chuyên đề về các vấn đề cơ bản của pháp chế doanh nghiệp. Trong đó tập trung đi sâu vào các vấn đề: Các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020; các quy định của pháp luật về quản trị doanh nghiệp; những vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại; giới thiệu về bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp; kiểm soát rủi ro pháp lý doanh nghiệp và các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình trao đổi với các đại biểu, báo cáo viên đã có nhiều phân tích, trao đổi, thảo luận về các tình huống trên thực tế liên quan đến pháp chế doanh nghiệp và đi sâu vào phân tích các quy định của pháp luật về pháp chế doanh nghiệp bao gồm: Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành,... Các đại biểu tham dự Hội nghị đã sôi nổi tham gia trao đổi, tương tác với báo cáo viên về các tình huống mà báo cáo viên đã đưa ra và trao đổi về các vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp mình đang gặp phải. Với phương pháp truyền đạt dễ hiểu, rõ ràng, chú trọng tương tác hai chiều của báo cáo viên với các tình huống doanh nghiệp dễ gặp phải trên thực tế hoạt động gắn liên với những vấn đề doanh nghiệp còn đang gặp lúng túng, các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao chất lượng và hiệu quả tổ chức Hội nghị này. Các kiến nghị của các đại biểu tham gia đã được Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật ghi lại và sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc tại các quy định của pháp luật.

Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Các tin đã đưa ngày: