Liên kết website

Một số điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

26/08/2024

Sau gần ba năm triển khai thực hiện, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập do một số quy định còn thiếu, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Vì vậy, để kịp thời sửa đổi, bổ sung những nội dung đã được quy định tại các luật, nghị định vừa mới được ban hành, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch và đầu tư được tổ chức thi hành hiệu quả trên thực tế; bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, không có căn cứ để xử phạt; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành; quy định chi tiết, đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác; với các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đảm bảo tính khả thi, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (sau đây gọi là dự thảo Nghị định), thay thế Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Dự thảo Nghị định có phạm vi điều chỉnh quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu; Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định lược bỏ quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại điểm b khoản 2 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP do nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. Bổ sung các đối tượng là tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, bao gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và các đơn vị phụ thuộc để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Luật Hợp tác xã năm 2023.

Về bố cục và nội dung của dự thảo Nghị định, Dự thảo Nghị định gồm 07 Chương, 79 Điều, trong đó: Chương I: Quy định chung; Chương II: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương IV: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương V: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương VI: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Chương VII: Điều khoản thi hành.

Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị đinh quy định 02 hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và “Phạt tiền”. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều từ Chương II đến Chương VI Nghị định này.

Về mức phạt tiền, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực, cụ thể: trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng; trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng; trong lĩnh vực quy hoạch là 100.000.000 đồng. Đồng thời xác định mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt đối với hộ kinh doanh là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm. Dự thảo Nghị định quy định các nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện và quy định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm làm căn cứ để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định, đó là:

(i) Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà thầu; sửa đổi quy định về hành vi vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu năm 2023; bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với các hành vi vi phạm.

(ii) Trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, dự thảo Nghị định lược bỏ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP chỉ do công chức hoặc cơ quan nhà nước thực hiện trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ như quy định tại Điều 39, 40, 41… của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP; đồng thời bổ sung các hành vi: Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư nhưng không làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà đầu tư; Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư dẫn đến làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà đầu tư;…

(iii) Trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện theo đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ 70 -100 triệu đồng lên từ 100 - 200 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi này. Giảm mức xử phạt đối với hành vi lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ, lập báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định từ 20 - 30 triệu đồng xuống 10 - 20 triệu đồng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Dự thảo cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP như biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; sửa đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện quy định về chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định.

(iv) Đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, dự thảo Nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác của doanh nghiệp; vi phạm về thành lập, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; vi phạm về giải thể doanh nghiệp và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký hoạt động/hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Bổ sung hành vi sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn hiệu lực; các hành vi bị cấm của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp…

Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được đăng tải xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/gop-y-van-ban.aspx?uid=726)./.

Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Các tin đã đưa ngày: