Liên kết website

Bộ Công an: Đổi mới, phát triển công tác truyền thông dự thảo chính sách

29/08/2024

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án 407). Đề án đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, được tổ chức triển khai từ năm 2022 đến năm 2027 với mục tiêu đặt ra là từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay sau khi Đề án 407 được ban hành, Bộ Công an đã kịp thời tổ chức triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương; ban hành Kế hoạch số 241/KH-BCA ngày 08/5/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg trong Công an nhân dân, Kế hoạch số 101/KH-BCA ngày 07/3/2023 tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5[1]; Kế hoạch số 57/KH-BCA ngày 02/02/2024 tuyên truyền các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2024[2]. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng Công an đơn vị, địa phương; phát huy vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể được giao nhiệm vụ; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan. Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án 407, lực lượng Công an nhân dân đã đạt được một số kết quả như sau:
Công an các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 202 cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm phục vụ tuyên truyền đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại trung ương và các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, như: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”; “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”...
Thực hiện tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ Công an, của Công an các đơn vị, địa phương; hệ thống phát thanh cơ sở; tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác truyền thông dự thảo chính sách thông qua việc tổ chức phỏng vấn các chuyên gia trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; phối hợp đăng tải nhiều lượt tin, bài, phóng sự; tổ chức các buổi phổ biến, giới thiệu trực tiếp về nội dung các dự thảo văn bản…
Các đơn vị báo chí trong Công an nhân dân (CAND) đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường các bài viết, tin, phóng sự về truyền thông chính sách, cụ thể:
Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề An ninh Thủ đô, An ninh Hải Phòng, Công an thành phố Đà Nẵng, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng tải gần 250 tin, bài, nổi bật như: “Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước”; “Truyền thông chính sách phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”; “Để báo chí thực sự là cánh tay nối dài của truyền thông chính sách”; Truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân và đến được người dân”; “Đồng thuận, ủng hộ nội dung chính sách trong các dự án luật”...
Truyền hình CAND đã đăng tải, phát sóng trên 200 tin, bài, phóng sự, nổi bật như: “Truyền thông chính sách mở ra nguồn lực lớn”; “Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”; “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”;...
Phát thanh CAND đã phát sóng 115 tin, bài, nổi bật như: “Luật hóa để phát huy vai trò của quần chúng trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở”; “Sửa đổi Luật CAND là phù hợp với yêu cầu thực tiễn”; “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn giao thông”;...
Lực lượng CAND cũng chú trọng công tác phối hợp truyền thông và tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách, pháp luật
Chủ động cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho các cơ quan truyền thông bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin độc hại, lợi dụng các hạn chế, vướng mắc... trong quá trình xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật để chống phá Đảng, Nhà nước, Bộ Công an. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, điện ảnh trong CAND. Phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử của CAND bảo đảm đăng tải những thông tin chính thống, tích cực về nội dung dự thảo văn bản.
Về tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý các dự thảo chính sách, pháp luật: Các ý kiến tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nêu trên, Bộ Công an xác định trong thời gian tới cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an với các thành viên Hội đồng; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương sản xuất, đăng tải và chia sẻ thông tin, bài viết, chương trình phóng sự tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; chủ động nắm tình hình, phát hiện, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động can thiệp, chống phá hệ thống pháp luật Việt Nam; kịp thời phát hiện hoạt động đăng tải các bài viết, thông tin xấu, nhất là trong thời gian lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế, đội ngũ báo cáo viên pháp luật và đội ngũ cán bộ quản lý thông tin, báo chí, phóng viên, biên tập viên thực hiện công tác truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm triển khai công tác truyền thông dự thảo chính sách một cách nhanh nhạy, kịp thời, sâu rộng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trên thực tế./.
Nguyễn Giang

[1] Gồm 04 dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật Căn cước.
[2] Gồm 07 dự án luật: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dữ liệu.
Các tin đã đưa ngày: